Thứ Năm, 1 tháng 4, 2021

Cảm nhận về sách "Em bé hạnh phúc" của tác giả Susan Mayclin Stephenson!



Cảm nhận số 1:

Âm nhạc và ngôn ngữ - "Em bé hạnh phúc" (Từ trang 21 đến 25)

Trước khi được tiếp cận phương pháp của bà Maria, em đã mua một số sách âm thanh cũng như cho bé nghe loa và xem youtube, tuy nhiên sau khi hiểu ra rằng việc tương tác trực tiếp với con không những đem lại hiệu quả rất cao trong việc phát triển ngôn ngữ cho bé, mà còn gắn kết mối quan hệ của mẹ và con. Nên từ đó, em đã không mở loa hay dùng sách âm thanh nữa, mà thay vào đó em đã giao tiếp, tương tác trực tiếp với bé, đặc biệt là giao tiếp bằng mắt.

Mặc dù hát không hay và nhảy không đẹp, nhưng em vẫn cố gắng hát cho bé nghe những bài hát êm dịu, cũng như nhún nhảy theo các điệu nhạc vui nhộn cùng bé. Mỗi lần muốn dạy bé những từ tiếng Anh nào, em sẽ không mở sách âm thanh ra bấm hoặc nghe loa nữa, mà em sẽ nói lặp đi lặp lại nhiều lần cho bé nghe bằng giọng của mình.

Ví dụ:
Cùng nghe nhạc và hát cũng như nhảy với bé theo các bài hát như Wake up song, Count song, Walking Walking, Little Fingers, Head Shoulders Knees and Toes, If you're happy...

Cho bé tham gia vào các cuộc nói chuyện của mẹ bằng tiếng Việt và tiếng Anh, bé đều quan sát tất cả mọi người khi nói, đặc biệt là quan sát vào khuôn mặt và môi của người đang trò chuyện.

Trò chuyện với bé nhiều nhất có thể từ những lần đi dạo, lúc tắm cho bé, lúc tưới cây, hay cùng thực hiện một công việc hay trò chơi vận động nào đó, đi tắm biển, đi công viên...

Ví dụ như lúc chơi cầu trượt:

Go up, hunnie One, two, three...
Let's slide...
Yeah...



Cảm nhận số 2:

Khóc là giao tiếp - "Em bé hạnh phúc" (Từ trang 25 đến trang 27)

Trước khi được tiếp cận với phương pháp giáo dục sớm của bà Montessori, có lẽ em cũng nằm trong đa số các phụ huynh và ông bà "đánh đồng" việc khóc với việc đói hay đau. Tuy nhiên, khi đọc đi đọc lại những dòng chữ của phần "Khóc là giao tiếp", em mới thấy tiếng khóc của bé mang lại rất nhiều ý nghĩa và đó cũng là cách giao tiếp của con trong năm đầu tiên của cuộc đời mình:)

Đối với một bà mẹ lần đầu tiên có con như em thì việc bé khóc là một cái gì đó "ghê" lắm, ban đầu em rất hoảng vì không biết làm cách nào cho bé nín khóc; rồi có khi lại tự trấn an mình bằng những lời khuyên của các dì, các cô hay các chị lớn tuổi kiểu như "thôi kệ đi con, bé khóc cho...phổi tốt", hay "bé khóc một xíu, rồi mệt lại nín ngay thôi, cứ để bé khóc đi, không sao đâu" vân vân và vân vân!

Và em thật sự hoàn toàn đồng ý với quan điểm người lớn "nên dành thời gian và cố gắng tìm hiểu xem bé đang dùng tiếng khóc để nói gì", mỗi đứa trẻ đều khác nhau và không có bất cứ một công thức chung nào có thể áp đặt cho mọi đứa trẻ được.

Đối với một đứa trẻ ở năm đầu đời, ngoài việc đói và đau ra, bé có thể dùng tiếng khóc để biểu đạt nhiều ý muốn khác nhau, có thể đó là:

  • Bé mới tè hay ị xong và tã đang rất ẩm ướt, khó chịu, ngứa ngáy hay có mùi hôi.
  • Bé cảm thấy nóng khi người lớn cứ hay đắp chăn mền hay mang nhiều vớ tất và áo ấm, áo khoác cho bé.
  • Mới ngủ dậy và quen với việc thường thấy ba hoặc mẹ bên cạnh, nhưng hôm nay khi mở mắt dậy nhìn qua nhìn lại không thấy ai, nên khóc...để phát ra tín hiệu là con đã ngủ dậy rồi nè và con đang cảm thấy rất cô đơn, cần có người lớn bên cạnh con lúc này chẳng hạn.
  • Đơn giản là bé khóc vì bé nhớ mẹ, chỉ cần thấy mẹ ôm bé vào lòng, nói những câu yêu thương hay hát cho bé nghe là bé lại im ngay và cười rất vui...
  • Hay đơn thuần là bé cảm thấy...chán và bé khóc, có thể bé đã chơi rất nhiều ở trong nhà rồi, hay bé đã chơi mãi một trò chơi rồi, bé khóc chỉ vì muốn được ba mẹ ẵm ra ngoài trời chơi hoặc con không muốn chơi quả bóng này nữa, con muốn chơi trò tháp xếp chồng vòng tròn với những vòng tròn nhiều màu và thả chúng vào một thanh gỗ nhỏ...
Tất cả mọi người cần được thấu hiểu, ngay cả đứa trẻ sơ sinh nhỏ nhất cũng vậy.

Cảm nhận số 3:


Tâm thức thấm hút - "Em bé hạnh phúc" (Trang 32)


"Theo một cách nào đó, trẻ em trong những năm đầu tiên này hấp thụ đời sống, hành vi và thái độ của những người xung quanh mình"


Ba mẹ và những người xung quanh thường xuyên tiếp xúc với bé sẽ chú ý đến lời ăn tiếng nói và các hành động của bản thân cho đúng mực, để bé có thể tiếp thu được những điều tốt đẹp nhất trong những năm đầu đời.


Nếu để bé cho cô giúp việc hoặc gửi ông bà, người thân trong gia đình trông hộ, ba mẹ sẽ dặn dò để ý đến việc giao tiếp nói chuyện với bé, tương tác với bé sao cho phù hợp, tránh những hành động hay lời nói tiêu cực hay giận dữ có thể ảnh hưởng trực tiếp lên bé.


Ví dụ như không nói những từ tục tĩu hoặc không đập phá đồ đạc, dù cho người lớn có đang bực mình đi chăng nữa! Để trẻ không bắt chước những hành động và lời nói không được đẹp từ những người xung quanh trẻ.


Hay khi đến những nơi công cộng, người lớn cần phải bỏ rác vào giỏ đúng quy định; hoặc khi ngủ dậy ba mẹ nên dọn dẹp mền gối gọn gàng...thì chắc chắn bé sẽ bắt chước những hành động đúng mực, gương mẫu từ những người xung quanh của mình, tạo thành những thói quen tốt, hình thành nên những phẩm chất, tính cách tốt cho trẻ sau này khi trưởng thành.



Cảm nhận số 4:

Chất liệu tự nhiên dành cho đồ chơi - "Em bé hạnh phúc"

(Từ trang 43 đến trang 45)

Bé được học rất nhiều từ việc được ba mẹ cho ra ngoài để hoà mình vào thiên nhiên, luôn luôn cảm thấy hứng thú và cười rất nhiều khi được ba mẹ chở đi công viên, đi ra bãi biển hay đơn giản chỉ là việc được dẫn đi dạo trong xóm!

Chỉ một đoạn đường ngắn chưa tới một km nhưng bé thực sự rất tò mò và quan tâm đến rất nhiều thứ trên đường như những chú chim đang bay trên trời hay hót ríu rít khi đậu trên bờ tường hoặc trên cành cây; bé cúi mình xuống nhặt nhạnh những viên đá và xếp chồng chúng lên nhau cho đến khi những viên đá ấy rớt xuống và bé wow lên và lại tiếp tục xếp những viên đá ấy lại cho đến khi chán; ngay cả những chiếc lá vàng hay những cành cây khô cũng khiến bé thích thú khi cầm chúng trên tay; rồi chú mèo lười của nhà bác hàng xóm; đến những bông hoa bên đường cũng khiến bé dừng lại để hít hà và còn ngắt một chiếc bông xinh xắn cài lên tóc...


 Cảm nhận số 5:

"Số lượng đồ chơi có được ở bất kỳ thời điểm nào và học cách cất chúng đi" - "Em bé hạnh phúc" (trang 54)

Trước khi được cầm trên tay quyển "Em bé hạnh phúc", mỗi lần khi cho bé chơi, em thường hay bày tất cả các trò chơi ra sẵn, để mỗi lần bé chán trò nào là bé sẽ có nhiều lựa chọn khác và chuyển qua các trò chơi khác ngay sau đó, vừa tiện cho bé và lại khoẻ cho em. Đến khi bé chơi xong thì mình dọn một lần luôn cho dễ.

Và em biết rằng đây là cách mà hầu hết cha mẹ thường làm. Do được bày ra quá nhiều trò chơi, nên bé khó tập trung vào một trò chơi nào đó lâu được mà lại rất dễ bị phân tâm vì những màu sắc, sự hấp dẫn của những trò chơi khác. Thêm vào đó, việc bày ra nhiều trò chơi cùng lúc rất khó cho ba mẹ muốn dạy bé theo các mục đích của mình như hình khối, con số, chữ cái, phương tiện giao thông, nhạc cụ...

Sau đó, em đã thay đổi cách bày biện đồ chơi của mình cho bé! Một chiếc kệ chỉ bày biện tầm 3 đến 5 trò chơi, ưu tiên những trò chơi mà em muốn bé học; đồng thời để ý những trò chơi mà bé yêu thích, thường tự động chơi hoặc dành thời gian lâu hơn những trò còn lại. Khi bé đã biết chơi, thành thạo hoặc bắt đầu có vẻ hết hứng thú với một trò chơi nào đó thì em lại đổi xoay vòng thay thế những trò chơi khác và cất những trò chơi cũ vào!

Kết quả đã thật sự rất tuyệt vời, ngoài việc dạy cho bé chơi hiệu quả hơn, việc sắp xếp lại đồ chơi cũng nhẹ nhàng, dễ thở hơn nhiều. Mỗi lần chơi xong, em đều vừa nói với bé vừa làm cho bé thấy việc mình để những món đồ chơi trên kệ, bé quan sát và nghe. Hành động này được lặp đi lặp lại nhiều lần, đến khi bé tầm 16-17 tháng là bé bắt đầu tự cất đồ chơi vào hộp và để lên kệ:)

Một ví dụ là câu chuyện của em và bé:

Có một hôm, sau khi chơi xong bạn đứng dậy bỏ lại đồ chơi trên sàn và bà Tư phàn nàn:
- Chơi xong bỏ đó hơ? Không chịu dọn dẹp, cất đồ chơi gì hết! Hư quá đi...
My ghẻ đứng gần đó nên lên tiếng liền:
- Chời ơi, đừng chửi oan em bà Tư ơi! Bà Tư phải nói đúng thì em mới hiểu lận...
Sau đó, My ghẻ quay qua nói em:
- Hunnie, put your toys on the shelf...
Ngay lập tức, sau khi nghe My ghẻ nói xong là bạn quay lại và cầm giỏ đồ chơi, đem vô trong phòng và đặt lên kệ, miệng lặp đi lặp lại:
- Shelf, shelf, shelf...
Bà Tư cười khà khà:
- Chời ơi, tui phải học tiếng Anh mới nói chiện được với nó hả chời...
Quay lại cô gái nhỏ của My ghẻ, sau khi bạn đặt giỏ đồ chơi lên kệ! Bạn tự vỗ tay, cười và la lớn:
- Yeah, yeah, yeah...
Bạn rất vui sau khi tự cất đồ chơi của mình nha! Không cần chờ My ghẻ hoặc người khác khen, vỗ tay hay cho kẹo nhé:x
Theo quan điểm của bà Montessori, khi dạy trẻ cần hướng đến những giá trị và niềm vui bên trong, đừng hướng đến những giá trị vật chất bên ngoài! Tức là bà không đồng ý việc khen thưởng bằng các món quà hay kẹo bánh, đồng thời cũng không có hình phạt:)
Phải đến hôm nay, sau khi quan sát con gái tự vỗ tay, tự cười và vui sướng sau khi thực hiện một công việc thì My ghẻ mới thật sự NGỘ ra những điều bà dạy trong các cuốn sách và các khóa huấn luyện, hội thảo...của bà:x
P/s: lúc trước My ghẻ rất hay "lạm dụng" bánh kẹo trong việc dạy học các bạn nhỏ tại Cô Tư's Homestay! Thậm chí, có bạn khóc nhè quấy phá hay không chịu học, My ghẻ cũng lấy kẹo ra dụ các bé, tức là các bé học chỉ vì KẸO, chớ không hề học vì mình thấy thích, thấy vui và hạnh phúc:x
Những giá trị bên trong mới thật sự mạnh mẽ, thôi thúc và lâu dài giúp các bé phát triển!


Cảm nhận số 6:

Tham gia vào cuộc sống đích thực của gia đình - "Bé Hạnh Phúc" (trang 92)

Các việc bé thường tham gia giúp việc nhà:

Không cần sử dụng những món đồ chơi nấu ăn hay búp bê để mặc đồ và chăm sóc... 

Tin tưởng và tôn trọng bé và cho bé tham gia vào các hoạt động thực tế hàng ngày với các đồ dùng thật, được thiết kế kích cỡ phù hợp với bé như bàn ăn, ghế ngồi, cây chổi nhỏ, móc quần áo nhỏ...

Giúp bé cảm thấy mình có ích và quan trọng, cần thiết đối với bản thân và mọi người xung quanh!


  • Sử dụng cây lau nhà, bắt chước người lớn sử dụng chổi và đồ hốt rác, 
  • Giúp ba mẹ tưới rau và hoa vào mỗi buổi sáng
  • Có thể tự rửa và lau xe đạp của bé
  • Giúp mẹ hái rau, lặt rau và lột vỏ trứng luộc
  • Cho gà nhà ông bà ngoại ăn rau muống; cho cá ăn bánh mì và cho các chú cún ở nhà ăn cơm và thức ăn thừa hoặc xương cá.
  • Lau bàn sau khi ăn cơm xong hoặc khi được yêu cầu giúp mẹ lau bàn.
  • Tự bới cơm từ xoong hoặc tô lớn ra chén nhỏ của mình ăn.
  • Tự móc quần áo mình lên tủ.
  • Nhờ bé lấy một vật dụng nào đó hoặc thực hiện một việc như tắt quạt/ đèn/ máy lạnh, đóng/ mở cửa/ cổng, lấy cho mẹ ly nước...


Cảm nhận số 7:

Các loại bài tập về đời sống thực tiễn - "Em bé hạnh phúc" (Trang 94 và 95)

Hàng ngày, người lớn cần phải tạo điều kiện làm sao cho bé tham gia vào các hoạt động đời sống thực tiễn càng nhiều càng tốt, có sự đều đặn và luyện tập lặp đi lặp lại cho đến khi những hoạt động này trở thành thói quen tốt, kỹ năng sống của bé sau này. Và sau đây là những bài tập về đời sống mà em cùng những người thân xung quanh bé nhắc nhở và cùng làm với bé mỗi ngày:

*Tự chăm sóc bản thân: Có thể tự đánh răng, rửa mặt, chải tóc, rửa tay... Cùng với sự giúp đỡ của mẹ, thì bé có thể tự cởi quần áo để tắm và tự mặc quần áo vào!
*Văn hoá ứng xử thanh nhã, lịch thiệp và sự quan tâm đến người khác: biết vòng tay ạ hoặc xoè tay nói xin khi bạn muốn ăn gì đó từ ba mẹ, biết vỗ tay khuyến khích các bé nhỏ hơn khi tham gia một trò chơi nào đó ví dụ như cầu trượt...
*Vận động: bé thường được mẹ nhờ giúp khiêng và xếp ghế; ngoài ra bé rất có hứng thú leo trèo từ khi mới 10 tháng, bé thường leo lên cầu thang khá cao và mẹ có làm cho bé một cái thang bằng gỗ để bé tập đu người lên và leo; chạy nhảy khi ra công viên hay bãi biển chơi hoặc nghe thấy một bài hát yêu thích là bé sẽ tự động nhảy theo ví dụ như Baby Shark hay Wheels on the Bus...
*Chăm sóc môi trường: bé thường được mẹ yêu cầu giúp lau bàn trước và sau khi ăn, giúp mẹ lau cửa kính, quét bụi trên những chiếc kệ, giúp mẹ làm vườn như tưới cây, hái rau hoặc quét sân...
*Thức ăn: Bé giúp mẹ lột vỏ trứng, lặt rau, rửa rau, úp chén vào rổ, có thể sử dụng thành thạo muỗng, nĩa; đang tập dùng đũa để ăn mì...



Cảm nhận số 8:

Đồ chơi ghép hình - "Bé Hạnh Phúc" - (Từ trang 123 đến trang 126)

Nhờ vào việc hiểu rằng "Qua các trải nghiệm với những món đồ chơi ghép hình như thế, trẻ em có thể phát triển nhiều kỹ năng hưu ích: sử dụng học cụ, tinh tế hoá vận động, hoàn thành một chu kỳ hoạt động, thực hiện những bước hợp lý theo thứ tự, giải quyết các vấn đề".

Những bộ trò chơi ghép hình rất phổ biến, dễ tìm, giá cả lại phải chăng, đa dạng và nhiều hình thức khác nhau: từ các bảng gỗ và hình ghép có núm cầm với các hình khối từ đơn giản đến khó (các hình tròn có kích thước từ nhỏ đến lớn và màu sắc khác nhau hoặc các hình khối khác nhau như ngôi sao, hình tròn, hình vuông...), các con số từ 0 đến 10 hoặc đến 20, bảng chữ cái, các vật dụng hàng ngày; các loại trái cây, rau củ và hoa quả; các con vật trong rừng/ sở thú và trên trang trại, các món ăn hàng ngày...; đến các hình ghép puzzle 2 hoặc 3 mảnh bằng giấy cứng hoặc bằng gỗ với nhiều chủ đề khác nhau như phương tiện giao thông; rau củ; trái cây; động vật...

Bà Maria luôn chú trọng vào các hoạt động có sự phối hợp giữa não bộ, thị giác và đôi bàn tay của bé. Và em đã áp dụng điều này trong việc chọn mua các bộ đồ chơi ghép hình phù hợp cho bé, từ lúc mới làm quen khoảng 10 tháng thì đến nay bé đã được 21 tháng thì bé đã giải quyết được hết những trò chơi ghép hình mà em đã kể phía trên.

Thậm chí bé còn có thể liên tưởng đến những vật thật khi đang chơi ghép hình, ví dụ như có một lần em đang chơi với bé về trò chơi ghép hình các màu sắc lại với nhau, khi em yêu cầu bé lấy các màu sắc trong cuốn sách có hình dán thì bé đều lấy đúng màu sắc, sau đó bé còn cầm hình dán có các màu chạy đến những chiếc ghế nhỏ có những màu sắc tương ứng.

Hoặc một lần khác, khi đang chơi các hình ghép về trái cây, khi học đến "banana" (quả chuối) thì bé liền chạy đến nải chuối để trên bàn trong bếp.

Cảm nhận số 9:

Nhảy múa và ca hát - "Bé Hạnh Phúc" - (Từ trang 129 đến trang 132)

"Sở thích âm nhạc của trẻ được hình thành ở giai đoạn sớm trong đời, vì thế việc cho trẻ nghe tất cả mọi thể loại âm nhạc và để bé trải nghiệm với những học cụ thật đang được chơi nếu có thể là một điều tuyệt vời."

Âm nhạc thật sự có một tác động rất lớn đến sự phát triển não bộ của bé, từ việc nghe những bài hát quen thuộc dù đó là ngôn ngữ nào đi chăng nữa, khi bé chỉ vài tháng tuổi đã được mẹ cho nghe nhạc và mẹ hát theo, mặc dù bé chưa biết nói nhưng cũng lắc lư gật gù hoặc biểu hiện sự thích thú trên gương mặt; đến khi bé biết đứng và bắt đầu tập đi (tầm khoảng 11-12 tháng tuổi) thì bé bắt đầu nhảy theo các bài hát phổ biến như Baby Shark, Good Morning, Wheels On The Bus, Head Shoulders Knees and Toes, Wake up, Weather song...Đến khi bé biết đi vững và bắt đầu tập nói như hiện nay (21 tháng tuổi) thì bé đã ê a hát theo những bài mẹ hay hát cùng em như Count song, Alphabet song, Happy Birthday...bé vừa hát và vừa nhảy theo các động tác trong bài hát!

Cảm nhận số 10:

Nghe xảy ra trước - "Bé Hạnh Phúc" - (Trang 137, 138)

"Một thời gian dài trước khi trẻ có thể biểu đạt bản thân một cách rõ ràng bằng ngôn ngữ thì trẻ đã lắng nghe và hấp thụ mọi thứ mà mình nghe được."

Em đã gặp những em bé hay nói ngọng thậm chí khi các bé đã lớn 6 hay 7 tuổi vẫn còn phát âm chưa chuẩn, có thể điều này xảy ra khi người lớn thường dùng ngôn ngữ "trẻ con" để giao tiếp với các bé, tạo thành thói quen xấu, mà không dùng ngôn ngữ chuẩn với từ vựng chính xác và phát âm đúng.

Theo bà Maria thì chúng ta cần phải tôn trọng các bé, đặc biệt là trong việc giao tiếp, để phát triển ngôn ngữ cho bé, người lớn cần phải nói chuẩn, từ ngữ đúng và cần phải dùng ánh mắt trìu mến để nhìn trẻ khi nói chuyện.

Ngay khi trẻ còn trong bụng mẹ thì việc nghe đã thực sự diễn ra, cho đến khi trẻ ra đời và phát triển từng ngày thì việc nghe vẫn diễn ra liên tục và bé đã thấm hút tất cả, nên người lớn cần phải giao tiếp thường xuyên với trẻ, đặc biệt là dùng từ ngữ trau chuốt, lịch sự, nhẹ nhàng, tế nhị nhất để tạo điều kiện cho sự phát triển ngôn ngữ cho bé sau này.

Cảm nhận số 11:

Ngôn ngữ thứ hai - "Bé Hạnh Phúc"  - (Trang 139)

"Ngôn ngữ phải được sử dụng trong môi trường của trẻ trong những năm đầu tiên trong đời trẻ, theo nghĩa là một hay nhiều người lớn phải nói thứ ngôn ngữ khác với trẻ và có sự hiện diện của trẻ.

Nếu chúng ta có thể có hai, ba, bốn hay năm người nói các thứ tiếng ngôn ngữ khác nhau xung quanh trẻ, trẻ có thể dễ dàng hấp thụ tất cả chúng mà không cần nỗ lực riêng biệt nào cả, với điều kiện rằng mỗi người nên LUÔN LUÔN VÀ CHỈ NÓI duy nhất ngôn ngữ của riêng họ. Tuy nhiên điều này chỉ có thể thực hiện được trong những năm đầu đời."

- BS. Silvana Montanaro

Trước khi được đọc quyển sách ý nghĩa này, em đã rất hoang mang rất nhiều về việc cho bé tiếp cận tiếng Anh như thế nào? Vì em rất muốn bé có thể sử dụng tiếng Anh sớm nhất và theo một cách tự nhiên nhất có thể, tuy nhiên em vẫn chưa biết mình nên làm thế nào cho phù hợp? Những thắc mắc như:

- Mình có nên nói 100% tiếng Anh với con không?
- Mỗi ngày mình nên học hay nói với bé khoảng bao lâu thì được?
- Mình có thể vừa nói tiếng Việt và vừa nói tiếng Anh với bé không?
- Ba và mọi người xung quanh bé giao tiếp bằng tiếng Việt, rồi nếu mẹ nói với bé tiếng Anh thì liệu bé có hiểu không?
- Bé đã được ba dạy nhiều từ bằng tiếng Việt rồi, liệu có ổn không khi mẹ lại dạy bé những từ ấy trong tiếng Anh?...

Rất nhiều câu hỏi khiến em cảm thấy rất nhức đầu và không biết nên hỏi ai, thì thật may khi em đọc đến đoạn này:)

Và em đã kiên trì áp dụng đối với bé. Một số ví dụ rất thú vị em đã trải nghiệm như sau:

- Mặc dù bé được ba và mọi người xung quanh dạy nhiều từ tiếng Việt như mắt, mũi, tai, miệng, đầu... Bé nhớ hết tiếng Việt, khi được hỏi bé có thể chỉ đúng các bộ phận và đến hiện tại thì bé có thể nói được! 

Nhưng khi em dạy bé bằng tiếng Anh cũng những bộ phận về cơ thể: eyes, nose, ears, chin, teeth, mouth, head, hair... và thật là ngạc nhiên là bé nhớ luôn những từ tiếng Anh này, bé hiện nay 21 tháng tuổi có thể nói được hầu hết các bộ phận cơ thể bằng tiếng Anh và phát âm rất chuẩn (đặc biệt là các âm cuối của từ). 

Hay như việc bé đã biết tiếng Việt là "giày", nhưng khi mẹ nói với bé là "shoes" thì bé cũng dùng từ "shoes" khi giao tiếp với mẹ, hay bé học từ "chó" trước khi được mẹ dạy cho từ "puppy" và "dog", hiện nay bé có thể dùng cả 3 từ này rất đúng với nghĩa của chúng, khi bé thấy chú chó con thì bé gọi "puppy" và khi thấy chó mẹ và chó ba thì bé gọi là "dog".

Cảm nhận số 12:

Lắng nghe và để trẻ tham dự cuộc đối thoại

"Chúng ta có thể giúp trẻ phát triển tốt về ngôn ngữ bằng cách để trẻ tham gia vào cuộc đối thoại của chúng ta ngay từ lúc ban đầu"

Như chúng ta đã biết việc nghe được thực hiện đầu tiên, trẻ được nghe và nên được trò chuyện với người lớn càng nhiều càng tốt, dù cho trẻ chỉ mới ê a vì đây là một giai đoạn rất tự nhiên trong sự phát triển ngôn ngữ nói. Đặc biệt là khi giao tiếp với trẻ, người lớn thường dùng mắt để tương tác hoặc ít nhất là nên nhìn về phía trẻ khi nói chuyện để thể hiện sự tôn trọng và đây chính là dấu hiệu của việc trẻ có tham gia vào những cuộc đàm thoại của chúng ta!

Em luôn dẫn theo bé khi tham gia các cuộc hội họp bạn bè hay đi chơi của mình và mỗi lần trò chuyện, em có chú ý là bé luôn nhìn vào gương mặt của từng người mỗi khi người nào đó đang nói, một cách rất chăm chú và đôi lúc bé có những phản xạ hoặc cảm xúc khác nhau! 

Đặc biệt là hiện nay, để giúp bé phát triển song song hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh cùng lúc, em thường sử dụng 100% tiếng Anh khi đi chơi chung cả nhóm người Việt và người nước ngoài. Do bé đã nghe rất nhiều tiếng Việt hàng ngày, nên em cố gắng tạo càng nhiều môi trường để bé cùng lúc có thể "tắm" tiếng Anh nhiều nhất có thể.



Cảm nhận số 13:

Bài học hai giai đoạn

(Từ trang 143 đến trang 147)

Có một "giai đoạn mẫn cảm" để gọi tên đồ vật... và nếu người lớn đáp ứng sự khao khát từ ngữ này một cách phù hợp thì họ có thể đem lại cho con mình một ngôn ngữ phong phú và chính xác sẽ kéo dài cả đời.

- BS. Silvana Montanaro

Vì là một phụ nữ lần đầu làm mẹ, nên em băn khoăn rất nhiều trong việc dạy con mình, đặc biệt là em không biết bắt đầu dạy bé từ đâu trong giai đoạn bé đang khao khát được rót đầy những thông tin mới mẻ vào trong bộ não phát triển rất nhanh của mình. Và thật may mắn vì em đã hiểu ra rằng việc dạy bé không có gì phải cao siêu hay to tát cả, mà đơn giản là dạy cho bé về thế giới thật, về môi trường xung quanh mà bé đang sống cùng mọi người. 

Em đã rất hào hứng bắt đầu bằng việc dạy bé những vật xung quanh như cái bàn, cái ghế, con chó, con mèo, cơm, canh, bông hoa, xe cộ, các hành động như nhảy, hát, đá banh...bất cứ thứ gì mà bé thường thấy hàng ngày qua bài học hai giai đoạn:

Giai đoạn 1: Gọi tên! Mỗi lần muốn dạy bé từ gì thì em đều chỉ vào vật đó và nói ít nhất 3 lần vật đó, ví dụ như "đây là cơm, cơm, cơm..." và mời bé lặp lại, tiếp tục việc này hàng ngày, đến một ngày bé bật ra từ "cơm" khi bé đang tự xúc cơm ăn:)

Giai đoạn 2: Thực tập cách gọi tên. Em sẽ dùng từ muốn dạy vào tình huống cụ thể, để bé hiểu và biết cách sử dụng nó, ví dụ như: "Con ăn cơm không?" hay "Con tự xúc cơm ăn nhé!" hoặc "Cơm ngon quá!"...

Ngoài những vật hay hành động thực tế hàng ngày ra, em còn sử dụng những hình ảnh để phát triển, mở rộng vốn từ cho bé. Em thường sử dụng flashcards (các thẻ từ); hay sách từ vựng; các mô hình con vật; các mô hình đồ ăn và dụng cụ bếp; những bản gỗ có núm cầm; các hình ghép bằng gỗ hay bằng giấy cứng...

Bên cạnh việc lựa chọn đa dạng các loại học cụ cho bé, em còn chú ý đến việc chọn lọc lại một số lượng sách phù hợp hay hình ảnh và mô hình bé thích, giúp cho sự phát triển trí não của trẻ, thay vì bày ra rất nhiều loại sách nhưng không phù hợp! 

Cảm nhận số 14:

Tôn trọng sự tập trung - "Em bé hạnh phúc" (Trang 120, 121 và 122)

"Giáo viên [và cả cha mẹ] cần luyện tập kỹ năng không can thiệp, như mọi kỹ khác nhưng chuyện này không bao giờ là dễ dàng. Chúng tôi có thể đưa ra lời khuyên gì với các bà mẹ?
Con cái của họ cần làm một công việc thú vị: Chúng không nên được giúp một cách không cần thiết, hay bị gián đoạn một khi đúng đã bắt đầu làm một công việc thông minh nào đó"

- BS. Maria Montessori

Một trong những thứ quan trọng nhất mà người lớn có thể làm cho trẻ là tôn trọng sự tập trung. Thật sự là để trẻ tập trung vào một việc gì, đặc biệt là lứa tuổi từ 0 đến 3 này rất khó hoặc nếu trẻ có tập trung thì thời gian tập trung đó không thể kéo dài mà chỉ chừng vài phút. Chính vì vậy mà người lớn lại càng trân trọng những giây phút tập trung này của trẻ:)

Mọi lời khen ngợi, giúp đỡ hay ngay cả một cái nhìn cũng có thể đủ để gián đoạn hay phá huỷ công việc đó.

Em còn nhớ có lần, bé đang say mê ngồi mang đôi giày vào chân, tuy nhiên em đã có một hành động rất sai vào lúc đó là khi thấy bé mang đôi giày bị ngược, tức là bé mang chiếc giày bên trái vào bàn chân bên phải và ngược lại thì em đã can thiệp bằng cách cởi ngay chiếc giày bé đang mang ra và để vào bàn chân đúng; và phản ứng của bé thật sự làm em rất bất ngờ:

Bé la lên, giãy nãy và khóc, thậm chí bé còn ném cả hai chiếc giày văng ra xa để thể hiện sự phản đối của mình đối với hành động can thiệp một cách thô bạo và không có một chút tinh tế nào của mẹ cả:( 

Kể từ lần đó, em đã chú ý hơn rất nhiều vào việc không can thiệp vào sự tập trung của bé nữa!

Cảm nhận số 15:

Lưu ý về an toàn khi trẻ có các kỹ năng vận động mới - "Em bé hạnh phúc" - (Trang 52, 53 và 54)

Sự an toàn của bé trong giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi là việc ưu tiên hàng đầu mà người lớn cần làm cho trẻ. Từ khi trẻ biết lật, tự ngồi dậy và bò thì người lớn luôn luôn cần phải kiểm tra môi trường, quan sát bé 24/24 vì bé còn quá nhỏ, chưa có khả năng tự bảo vệ mình từ những nguy cơ xảy ra xung quanh như một ổ cắm điện, những vật nhọn sắt như dao kéo, những hoá chất độc hại mà người lớn sử dụng như thuốc chuột, thuốc diệt côn trùng, hay những chiếc cầu thang cao, thậm chí việc chạy lung tung ra đường v.v...

Tất cả những điều kể trên đều có những nguy cơ tiềm ẩn có thể gây nguy hiểm cho trẻ, vì vậy trách nhiệm của người lớn là phải đảm bảo bé có một không gian sinh hoạt an toàn tuyệt đối và luôn được người lớn để mắt đến.

Ngoài không gian mà bé thường sinh hoạt ra, người lớn cũng cần chú ý đến chất liệu của những món đồ chơi của trẻ. Bà Maria luôn khuyến khích những đồ chơi có chất liệu tự nhiên như gỗ hoặc từ vải bông, len và kim loại. Những thứ này hoàn toàn mang lại sự khác biệt và thích thú của trẻ so với những đồ chơi bằng nhựa và mang tính giáo dục cao hơn vì chúng dạy cho trẻ về thế giới tự nhiện như âm thanh, vẻ đẹp, kết cấu bề mặt...

Có một lần, do bất cẩn mà em đã không quan sát kỹ môi trường của bé, khi để bé nhà em tưới cây và bé đi chân không vào ổ kiến lửa, bé bị cắn, phản ứng ngay bằng cách la lên và chạy tới mẹ. Mặc dù em đã kịp rửa sạch chân, xoa dầu cho các vết cắn xẹp đi, nhưng hôm sau chân bé bị sưng lên và có mủ, em đã tự dằn vặt mình rất nhiều vì lỗi lầm bất cẩn này. Mặc dù thỉnh thoảng em vẫn mắc sai lầm, nhưng việc bé bị té hay trầy sướt sơ sơ ngoài da, hay bị u trán một tẹo là hết ngay, chỉ có lần này nhìn thấy chân bé như vậy, lòng em lại thấy rất đau:(

Cảm nhận số 16:

Bảng chữ cái - "Em bé hạnh phúc" - (Trang 151)

Trước đây, mỗi lần em mua bảng chữ cái để dạy cho bé nhà em và cho các bạn học sinh nhỏ, em không chú ý lắm đến việc những chữ cái đó là những chữ in hoa hay chữ thường! Nhưng sau khi đọc qua phần "Bảng chữ cái" của quyển "Em bé hạnh phúc", em đã hiểu ra những điều tưởng như rất đơn giản nhưng không phải ai cũng biết này: chỉ sử dụng chữ viết thường vì hầu hết việc đọc và viết đều ở dạng chữ cái thường, "a" thay vì "A".

Cảm nhận số 17:

Tình yêu tự nhiên đối với thiên nhiên - "Em bé hạnh phúc" - (Trang 175, 176)

Theo một cách tự nhiên, trẻ có một tình yêu thiên nhiên rất đặc biệt, trẻ luôn có khuynh hướng muốn khám phá thế giới xung quanh bằng cách chạm vào, cầm lấy và quan tâm đến những mẫu vật tự nhiên như sỏi đá, vỏ sò, hoa lá, mèo con, chó con, gà con, cát biển... Chính vì vậy mà người lớn càng phải đem con ra bên ngoài để trẻ có thể khám phá cuộc sống tự nhiên xung quanh nhiều nhất có thể, đó là cách để trẻ phát triển tình yêu đối với cây cối, động vật...

Đừng vì sợ trẻ bị bẩn, bị kiến cắn, bị té...mà ngăn cản trẻ tìm tòi, khám phá mọi thứ xung quanh! Người lớn luôn đồng hành để đảm bảo sự an toàn cho trẻ, bảo vệ trẻ từ những nguy cơ bên ngoài, chớ không phải lúc nào cũng nhốt trẻ trong phòng hoặc trong nhà, trẻ sẽ bị giới hạn về kiến thức, những điều mới mẻ từ môi trường thiên nhiên bên ngoài.

Bản thân em là người lớn nhưng rất thích được ra ngoài để có những trải nghiệm tuyệt vời về cuộc sống, nên em luôn đem bé ra ngoài cùng với mình, đặc biệt là đến những nơi có cảnh đẹp thiên nhiên như: sông, suối, biển, núi, rừng, vườn... Nếu không có thời gian thì ít nhất em cũng dẫn bé ra công viên, nơi có những ngọn gió nhẹ khẽ đung đưa cành hoa, ở nơi đó bé sẽ được tung tăng chạy nhảy để phát triển khả năng vận động, nghe tiếng chim hót ríu rít, bé sẽ ngắm nghía và hít hà ngửi những bông hoa đang nở rực rỡ...; hay chở bé ra bãi biển gần nhà để bé nhặt nhạnh những vỏ sò, bé thích đào cát và xúc cát bỏ vào xô hoặc đơn giản là vui đùa chạy nhảy theo từng đợt sóng vỗ nhẹ vào bờ trong những buổi chiều hè nóng nực...

Không gì có thể thay thế những trải nghiệm của trẻ trong thiên nhiên, đây chính là sự kết nối giữ đứa trẻ và thiên nhiên một cách tự nhiên nhất!


Cảm nhận số 18:

Trải nghiệm và gọi tên cây cối - "Em bé hạnh phúc" - (Trang 177, 178)

Trẻ trong giai đoạn từ 0 đến 3 là thời kỳ tiếp thu vô thức, bộ não của bé có thể tiếp nhận tất cả mọi thứ nếu được dạy, nên người lớn cần phải có càng nhiều hoạt động phù hợp trong giai đoạn này càng tốt, để não của trẻ được phát triển tốt nhất! Và hoạt động cho bé trải nghiệm và gọi tên cây cối là một trong những hoạt động rất hay để trẻ được thoả mãn nhu cầu học hỏi từ môi trường xung quanh.

Trước khi được đọc quyển sách này, em hay chỉ vào bông hoa và nói cho bé nghe "hoa, hoa, hoa" vì em nghĩ bé còn quá nhỏ, chỉ cần biết "hoa" là được rồi, không cần phải biết cụ thể nó là bông gì. Tuy nhiên, đến khi bé đã biết "hoa" rồi thì em bắt đầu bối rối không biết nên dạy bé thế nào khi chỉ cho bé những bông hoa có những màu sắc, hình dạng và mùi hương khác nhau ví dụ như hoa hồng, hoa lan, hoa giấy...

Sau khi đọc phần này của sách, em mới "à ha, thì ra là vậy"! Người lớn nên sử dụng những từ ngữ chính xác để trẻ có thể bắt chước và sử dụng chúng, không chỉ đơn giản là nói hoa, mà còn phải cụ thể là hoa hồng, hoa mai, hoa cải...

Khi bé nhà em được 1 tuổi thì bé đã có thể đi được 25-30 bước cũng là lúc bé đã bắt đầu biết sử dụng bình tưới bé xíu nhỏ xinh của mình, dù còn vụng về vì bé tưới lung tung làm nước văng tung toé khắp nơi nhưng bé thật sự rất hứng thú với việc mỗi ngày được ra vườn thực hiện công việc tưới cây vào các buổi sáng và buổi chiều hàng ngày; khi bé được 15-16 tháng đã đi vững và chạy nhảy tốt thì bé bắt đầu có thêm nhiều kỹ năng như giúp mẹ nhặt những chiếc lá vàng rụng từ trên cây xuống, quét lá bằng cây chổi và đồ hốt nhỏ mà mẹ mua cho bé, bé còn biết cắm hoa vào bình và giúp mẹ hái rau cải trong vườn...

Cảm nhận số 19:

Làm vườn - "Em bé hạnh phúc" - (Trang 179, 180)

Làm vườn là một trong những hoạt động quan trọng trong việc giúp trẻ gắn kết và phát triển tình yêu với thiên nhiên, bên cạnh đó còn giúp phát triển tất cả các giác quan của trẻ đối với thế giới bên ngoài.

Thêm vào đó, làm vườn là một công việc không quá khó trong khâu chuẩn bị của người lớn, ngay cả khi nhà nhỏ, không có chỗ cho một khu vườn thì đơn giản chỉ cần một chậu cây xanh và hàng ngày tưới cây, nhặt những chiếc lá héo vàng úa thôi cũng đã tốt hơn rất nhiều so với việc không có gì.

Từ lúc bé nhà em bắt đầu đứng vững và chập chững bước những bước đầu tiên thì em đã chuẩn bị cho bé một bình tưới có chiếc vòi nhỏ nhắn và dài để bé tưới nước vào những luống rau cải mầm, mồng tơi, cây cà chua hay những bông hoa chuồn chuồn và cúc; ngoài ra bé còn có một chiếc xẻng nhỏ khá cứng cáp để bé xúc đất ngoài biển và giúp mẹ xúc đất trồng hoa. Bên cạnh đó, mẹ cũng mua cho bé một chiếc nón rộng vành để bé đội mỗi khi làm vườn với mẹ. Bé còn giúp ba lấy nước cho chim uống, đổ những hạt thóc vào ly đựng đồ ăn cho chim; cho cá ăn với những mẫu bánh mì còn dư từ bữa ăn sáng...

Khi làm vườn, người lớn luôn bảo đảm mình luôn quan sát trẻ để trẻ được an toàn, tránh những côn trùng có thể cắn trẻ hay những công cụ làm vườn của trẻ phải tuyệt đối an toàn, không gây nguy hiểm cho trẻ.

Cảm nhận số 20:

Quan sát và chăm sóc động vật - "Em bé hạnh phúc" - (Từ trang 180 đến trang 183)

"Khi chúng ta quan sát và theo dõi sự tôn trọng của trẻ đối với thế giới thiên nhiên, chúng ta có thể đánh thức nhiều ký ức tuổi thơ của riêng mình - một món quà từ những đứa trẻ của chúng ta là giúp chúng ta đi chậm lại, luyện tập việc cảm nhận sự hiện diện ở hiện tại với vẻ đẹp của thiên nhiên xung quanh, để lắng nghe, để nếm, để nhìn, để cảm nhận và để thưởng thức."

Ngoài việc tham gia làm vườn cùng với người lớn để tăng sự gắn kết của trẻ đối với thiên nhiên, cây cỏ, hoa lá; thì người lớn chúng ta cũng cần phải khuyến khích niềm yêu thương động vật cho trẻ.

Hành động quan tâm đến động vật có thể bắt đầu sớm. Bé nhà em từ lúc còn nằm trong xe đẩy, mẹ hay đẩy bé đi dạo trong xóm, mỗi lần đi ngang qua nhà bác hàng xóm có con mèo, bé đều nhìn vào và tỏ ra rất thích thú; khi bé chập chững đi được thì bé rất thích vuốt ve chú mèo của bác hàng xóm; và cứ thế mỗi lần đi dạo trong xóm là bé luôn ngừng lại nhà bác hàng xóm để ngó nghiêng xem có chú mèo quen thuộc của mình đang cuộn mình trên ghế không?

Ngoài việc yêu thích chơi cùng chú mèo của bác hàng xóm ra, bé rất thích chơi với những chú chó ở nhà, bé hay đùa giỡn, chạy nhảy, vuốt ve và cho ăn! Mỗi khi thấy những chú chó ở nhà bị những chú chó hàng xóm cắn là bé lại khóc và chạy tới ôm, vuốt ve.

Bên cạnh chó mèo ra, bé còn rất thích cho những chú cá trong hồ ăn, thích thú khi thấy những chú cá nhảy lên đớp thức ăn từ bàn tay nhỏ xíu của mình rải trên mặt nước; hay ngay cả chú chim trong lồng cũng vậy, bé cũng giúp ba đổ thóc vào cho chim ăn; bé còn giúp bà ngoại cho gà ăn cám, thóc; ngay cả khi bé thăm chuồng heo của một nhà bác hàng xóm khác, bé cũng hay hái lá rau muống và bỏ vào chuồng cho heo ăn... Bé thật sự rất yêu thích những con vật gần gũi mình thường thấy hàng ngày.

Cảm nhận số 21:

Vật dụng dành cho trẻ từ 0 đến 3 tuổi - "Em bé hạnh phúc" - (Từ trang 241 đến trang 243)

"Trẻ em ở độ tuổi này thường thích làm những công việc thực sự trong gia đình thay vì chơi đồ chơi, ngay cả khi đó chỉ là một phần nhỏ trong công việc, phù hợp với lịch trình bận rộn của cha mẹ.

Khẩu hiệu của trẻ là gì?

Hãy giúp con tự làm!"

Người lớn thường nghĩ rằng trẻ trong giai đoạn này còn quá nhỏ để có thể làm bất cứ việc gì, nên đa số cha mẹ hay làm thay cho chúng ngay cả những việc mà chúng có thể làm rất tốt, nên trẻ bị tước đoạt quyền được tự mình làm mọi thứ.

Trẻ nên được người lớn khuyến khích, hướng dẫn để tự làm càng nhiều việc phù hợp với lứa tuổi của mình càng tốt trong giai đoạn này, vì điều này rất quan trọng trong việc phát triển tính cách, thói quen tốt của trẻ về sau; đặc biệt là giúp trẻ tự làm những việc tự chăm sóc bản thân, tham gia vào các hoạt động cuộc sống hàng ngày cùng với gia đình như giúp cha mẹ chuẩn bị bữa ăn, có thể lau bàn sau khi ăn xong, tự sử dụng muỗng nĩa khi ăn mà không cần người lớn đút...

Việc hướng dẫn và khuyến khích trẻ tự làm những việc trong cuộc sống hàng ngày đòi hỏi người lớn cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho trẻ một số học cụ được chọn lọc trong một môi trường. Một môi trường có quá nhiều học cụ hay không có học cụ nào đều không phù hợp và học cụ chất liệu tự nhiên luôn an toàn và thích thú hơn so với chất nhựa. Đồ chơi và vật liệu trong nhà nên có chất lượng tốt để tăng sự hứng thú, quan tâm đến cái đẹp, quan tâm đến môi trường của trẻ.

Từ khi được tiếp cận phương pháp của bà Maria, việc mua đồ chơi và những vật dụng hằng ngày cho bé ở nhà được em chú ý hơn lúc trước. Em thường mua các học cụ hoặc vật dụng bằng gỗ tự nhiên, bằng len, vải...để đảm bảo sự an toàn và kích thích trí tò mò thích thú của bé trong các hoạt động.

Cảm nhận số 22:

Ý thức về trật tự - "Em bé hạnh phúc" (Trang 233, 234, 235)

"Trong ba năm đầu đời, trẻ có một cảm nhận rất mạnh mẽ về trật tự - về mặt không gian lẫn thời gian."

Trẻ sơ sinh có thể sẽ trở nên rất khó chịu về nhiều thức mà người lớn không để ý hoặc không nghĩ đến; ví dụ như bé nhà em, cánh cổng đang đóng bỗng nhiên mẹ lại mở ra cũng khiến cho bé khó chịu và khóc lên; hay như chiếc võng hàng ngày bé nằm chơi và hát hò với mẹ hôm nay bỗng biến mất tiêu ở đâu (vì ba đem đi giặt và phơi), khi bé phát hiện sự thay đổi này, bé đã la lên rất lớn, lộ vẻ mặt khó hiểu và chỉ tay vào chiếc võng bị mất.

Người lớn thường uốn nắn lịch trình ăn ngủ của trẻ sao cho khớp và tiện lợi với thời gian biểu của gia đình. Tuy nhiên, trẻ đã có sẵn nhịp độ tự nhiên bẩm sinh của mình, bé biết được khi nào ngủ và khi nào thức dậy, khi nào ăn, ăn thứ gì và ăn bao nhiêu. Cha mẹ nên dành thời gian để quan sát, tôn trọng những sự hướng dẫn nội tại - ví dụ như tránh đánh thức một đứa trẻ đang ngủ, tránh ép buộc bé phải ngủ vào một thời gian nhất định để khớp với thời biểu của người lớn, hoặc vì những lời nói của một số người xung quanh mà ba mẹ lại nóng lòng ép con ăn nhiều để tăng cân, dẫn đến việc mỗi lần ăn là một "cực hình" của tất cả mọi người trong gia đình, bé khóc và ngậm miệng lại hoặc nhả hết thức ăn ra ngoài; mẹ hoặc bà thì khó chịu bực mình, rồi la mắng nạt nộ hay thậm chí đánh trẻ nếu nổi nóng hay nhiều phụ huynh phải nghĩ đủ cách để dụ dỗ bé ăn như đi ăn rong trong xóm, cho xem tivi điện thoại.

Trong những tháng đầu đời, người mẹ sẽ học được ý nghĩa các âm thanh của đứa con; ví dụ như khi bé khóc không có nghĩa là bé đói đòi ăn! Có thể bé khóc vì bé bị ướt; con đang chán hoặc mẹ ơi, mẹ đâu rồi, con muốn nghe giọng của mẹ; hay mẹ ơi, mẹ có thể dẫn con ra ngoài chơi không, thay vì con cứ chơi mãi trong căn phòng bé tẹo này...

Theo dõi trẻ là cách tốt nhất để xây dựng một thời gian biểu ăn hợp lý cũng như tạo ra một thói quan ngủ nghỉ lành mạnh.

Cảm nhận số 23:

Chúng ta cần gì cho một em bé sơ sinh? - "Em bé hạnh phúc" - (Trang 192, 193, 194)

Khi em bé sắp được chào đời, cha mẹ luôn hào hứng mua sắm rất nhiều thứ để chuẩn bị đón bé, tuy nhiên vì mục đích chạy theo doanh thu nên nhiều chủ shop luôn tư vấn cho khách hàng mua thật nhiều đồ, mặc dù có nhiều món sau này cha mẹ không cần dùng tới. Hoặc cũng có thể một phần do cha mẹ chưa tìm hiểu kỹ nên mua một số thứ mà sau này mới phát hiện ra là những thứ đó không tốt cho sự phát triển của con sau này hoặc thậm chí là ảnh hưởng không tốt trực tiếp đến sức khoẻ của con.

Ví dụ như: ti ngậm giả hạn chế khả năng phát triển ngôn ngữ của bé, cái nôi hay ghế cao cản trở sự phát triển tự nhiên của khả năng vận động; xe tập đi cũng như những món đồ làm bằng nhựa chứa độc tố, nhiều món đồ quá nhiều màu sắc chói sáng không thoải mái, một số phấn thơm hoặc nước giặt dễ gây dị ứng với làn da còn rất nhạy cảm và mềm mại của bé...

Môi trường nên đơn giản, tự nhiên và nhẹ nhàng có thể khuyến khích cảm giác an toàn và sự di chuyển, vận động cũng như sự giao tiếp của trẻ đối với mọi người xung quanh - đó là môi trường ưu việt cho trẻ giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi.

Cha mẹ nên đặt mình vào vị trí của trẻ, bò khắp phòng của trẻ để quan sát xem trẻ có thể cham hay bị vật gì cuốn hút. Đặc biệt là lắng nghe âm thanh: đừng để những âm thanh của tivi hay điện thoại/ radio át đi những âm thanh của tự nhiên phát triển các giác quan của trẻ như tiếng gió xào xạt bên ngoài, tiếng chim hót trên những cành cây ngoài ô cửa sổ...

Trẻ còn quá nhỏ để có thể lọc ra những gì tốt và không tốt cho mình, vì vậy mà cha mẹ nên phải làm tốt nhiệm vụ chuẩn bị môi trường trước khi trẻ chào đời.

Cảm nhận số 24

Môi trường bên ngoài - "Em bé hạnh phúc" - (Từ trang 199 đến trang 202)

Không phải không có lý do mà bà Maria luôn chú trọng đến môi trường bên ngoài và cụ thể là môi trường thiên nhiên, đặc biệt là giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi, người lớn cần chú trọng đến việc phát triển các giác quan của trẻ, và môi trường bên ngoài là nơi tuyệt vời giúp trẻ có thể phát triển toàn diện các giác quan của mình một cách tốt nhất.

Người lớn cần phải đưa trẻ ra bên ngoài càng nhiều càng tốt chẳng hạn như một cuộc đi dạo trên bãi biển, ở công viên hay đơn giản là đi bộ trong xóm nơi có những bụi cỏ và bông hoa dại, có ông mặt trời rực rỡ mọc lên và đi xuống mỗi ngày, cơn gió mát cuốn theo những chiếc lá vàng rơi, âm thanh của các loài chim, tiếng tàu ghe chạy trên biển, tiếng rao bán hàng của bác bán hàng rong trong xóm, những vũng nước đọng lại sau cơn mưa, đàn kiến đang chăm chỉ tha mồi về tổ...Tất cả những thứ này hoàn toàn hấp dẫn đối với trẻ, khiến trẻ khao khát được khám phá, ngửi, nhìn, nghe, chạm vào thế giới bên ngoài.

Người lớn hãy mời trẻ tham gia vào các công việc ngoài trời như rửa xe, làm vườn, bất cứ việc gì mà người lớn có thể làm ngoài trời thay vì trong nhà, hoặc ngay cả những trò chơi thường hoạt động trong nhà như đọc sách, chơi dán hình, ghép hình...người lớn đều có thể đem ra sân nhà, trong vườn nơi có một không gian đủ rộng, sạch và an toàn cho trẻ.


Cảm nhận số 5:
Ăn uống và làm việc trong khi ngồi
(Từ trang 50 đến trang 52)



Cảm nhận số

Gia đình sum vầy êm ái trong đời sống hằng ngày - "Em bé hạnh phúc" - (Từ trang 215 đến trang 220)

"Sờ chạm, ôm ấp, sự tiếp xúc với làn da, cười và ca hát là quan trọng nhất, ngay cả trong vài ngày đầu tiên sau khi chào đời."

Đây có lẽ chính là lý do vì sao mà bất cứ đứa trẻ nào trên thế giới này sinh ra dù khác đất nước, màu da, ngôn ngữ...nhưng đều được cô y tá bế bé đến áp má vào ngực của mẹ sau khi ra đời. Đây chính là giây phút thiêng liêng, khoảnh khắc tuyệt vời nhất gắn kết một đứa trẻ và người mẹ, sự hoà hợp của hai tâm hồn vĩnh viễn bắt đầu. Những ngày đầu tiên của cuộc đời, khi được ôm ấp và yêu thương từ mọi người xung quanh, trẻ bắt đầu phát triển được niềm tin ở những người thân xung quanh, bắt đầu cảm nhận được rằng thế giới của chúng ta là một nơi hạnh phúc để sống.

Một điều mà em nhận ra rằng trước đây mình đã có quan điểm và hành động sai đó là thời gian cho con bú, theo bà Maria thì đây chính là thời gian chỉ có mẹ và con! Tình cảm này được gắn khít hơn trong lúc cho con bú, người mẹ nên nhìn con âu yếm, giao tiếp mắt với bé, có thể vừa hát ru hoặc nói chuyện hay kể một câu chuyện gì đó bằng giọng ấm áp, nhẹ nhàng...để con cảm nhận được tình thương vô bờ của người mẹ. Tuy nhiên, em đã từng "tranh thủ" thời gian cho con bú để vừa nói chuyện với người khác (ví dụ như với ba của bé, với bà ngoại hay bạn của mẹ...), hoặc có khi em lại trả lời email hoặc tin nhắn của khách hàng, thâm chí dù lúc đó em không phải làm gì nhưng vẫn lướt điện thoại để đọc tin tức hoặc đọc sách...

Từ sau khi biết được rằng, người mẹ cần dành trọn vẹn thời gian bú cho con, không những mẹ đang cho bé ăn mà còn dạy cho bé về bài học tình yêu thương nữa, em đã chú ý đến viêc gần gũi, yêu thương, ôm ấp, hôn hít...với con nhiều hơn thay vì làm những việc riêng khác.

Ngoài ra, em cũng chú ý đến việc dỗ bé ngủ bằng việc cho con bú, vì điều này có thể gây ra khó khăn sau này cho con học cách tự dỗ mình ngủ.

Cảm nhận số

Quần áo và vật dụng - "Em bé hạnh phúc" - (Trang 221, 222, 223)

Trong việc nuôi dạy một trẻ trong giai đoạn từ 0 đến 3 thì có thể nói việc trẻ có thể tự mặc quần áo và sử dụng các vật dụng hàng ngày một cách thành thạo là một niềm tự hào rất lớn của cha mẹ, đó cũng chính là niềm hạnh phúc nội tại của trẻ khi thực hiện được một công việc nào đó.

"Nếu trẻ biểu lộ sự sợ hãi trong lúc mặc quần áo, thì quan trọng là nên làm chậm lại và để dỗ trẻ cho yên, trò chuyện với trẻ với giọng nhẹ nhàng về những gì bạn đang làm thay vì hối hả mặc quần áo hay thay quần áo. Theo cách này trẻ sẽ học cách tin rằng thay quần áo và mặc quần áo là những trải nghiệm an toàn và thú vị."

Bé nhà em đã bắt đầu biết tự cởi quần áo ra để tắm và với sự trợ giúp của mẹ thì bé có thể tự mặc áo và quần vào, cùng một chiếc ghế nhỏ để bé tiện ngồi xuống khi mặc quần và đứng dậy để kéo quần lên. Có những lúc, áo hơi chật hoặc hơi khó mặc thì bé sẽ nói hoặc biểu hiện khó chịu thì người lớn sẽ chú ý và hỗ trợ cho bé đúng thời điểm, để bé thấy mình không bị cô đơn trong cuộc chiến học cách trở nên tự lập.

Bên cạnh việc tự cởi quần áo và mặc quần áo, bé còn có thể tự mang giày của mình (đối với những đôi giày hơi rộng một chút, để bé có thể bỏ chân vào và dán miếng dính giày lại)! Từ khi bé được 19-20 tháng thì bé bắt đầu biết "kén chọn", tức là bé sẽ nói "không" (no) hoặc lắc đầu khi mẹ gợi ý cho bé mang đôi giày "màu xanh" (green shoes) hoặc "màu xám" (grey shoes), và miệng thì vừa nói "màu hồng" (pink shoes); tương tự cho việc lựa chọn quần áo cũng vậy, bé cũng chọn những chiếc đầm hoặc bộ đồ mà mình yêu thích với những màu sắc khác nhau (bé đã biết màu và sử dụng tiếng Anh để nói màu).

"Để trần đôi bàn tay và bàn chân để bé có thể khám phá những món đồ quen thuộc và yêu thích."

Việc để trần đôi bàn tay và bàn chân được em áp dụng triệt để cho bé nhà em, tuy nhiên điều em cần làm là nên quan sát bé và bảo đảm môi trường tuyệt đối an toàn. Ví dụ như nếu để bé đi chân trần thì phải đảm bảo rằng trên sàn không có vật nhọn nguy hiểm nào khiến bé bị đau nếu lỡ bị dẫm vào.

Cảm nhận số

Phụ lục
Cách con tự cai sữa (Từ quan điểm của đứa trẻ) - Em bé hạnh phúc

"Cá nhân trẻ sẽ quyết định khi nào cai sữa, chứ không theo một thời biểu bị áp đặt từ bên ngoài bởi kẻ khác."

Trẻ chính là người quyết định khi nào ngừng bú sữa, chớ không phải người lớn áp đặt lên trẻ. Trước khi đọc phần này, em cũng rất băn khoăn không biết cho bé nhà em bú đến khi nào thì nên ngừng. Em nghe được rất nhiều ý kiến từ những người thân như mẹ, cô dì mợ hay bạn của em thì kết quả mỗi người một kiểu:

- Người thì do thiếu sữa nên phải cho bé bú bình bằng sữa công thức.

- Người thì bé lại không thích bú mẹ, mà chỉ thích bú bình.

- Người thì bảo là sữa mẹ hết chất rồi, cho bú làm gì nữa. 1 tuổi thì bỏ bú đi

- Người thì lại khuyên nên cai sữa bé sớm để bé ăn thức ăn sẽ có nhiều chất dinh dưỡng hơn, so với sữa mẹ...

Em còn lên cả trên mạng để tham khảo, tham gia vào các diễn đàn và nhóm của các bà mẹ bỉm sữa, thì có rất nhiều ý kiến, nhưng tóm lại vẫn là khuyên nên cho bé bú ít nhất là đến 2 tuổi. Nên em cũng có ý định là bỏ bú bé khi lên 2 tuổi.

Nhưng sau khi hiểu được rằng, người quyết định việc bé ngừng bú là bé, chớ không phải là em; nên em quyết định buông bỏ, cứ thuận theo tự nhiên, cứ để bé tiếp tục bú, song song với việc vẫn khuyến khích bé khám phá đa dạng phong phú nhiều loại thức ăn khác nhau...cho đến khi bé thấy chán sữa mẹ và có sự hứng thú đặc biệt với các loại thức ăn ngon lành ngoài kia!

Cảm nhận số

Môi trường thay đổi - "Em bé hạnh phúc" - (Trang 236, 237)

Khi trẻ lớn lên và thay đổi thì môi trường cũng dần thay đổi một cách tinh tế, phản ánh nhu cầu đang thay đổi của trẻ. Càng lớn, trẻ càng phát triển liên tục về mặt tự lập và trách nhiệm, chính vì vậy mà người lớn cần phải cân bằng giữa việc trợ giúp và lùi ra sau khi trẻ có thể tự mình làm được, tránh những can thiệp không cần thiết cản trở sự phát triển của trẻ!

Montessori cho rằng:

Mọi trợ giúp không cần thiết
là một rào cản đối với sự phát triển của trẻ

Nếu cha mẹ nào thật sự biết cách quan sát con mình, sẽ có thể biết một món đồ chơi hay một công việc có còn phù hợp hay bàn ghế có còn đúng kích cỡ với đứa con đang lớn của mình hay không. Người lớn sẽ nhận ra được khi nào trẻ sẵn sàng tự cởi quần áo, tự xúc ăn, tự đi vệ sinh, tự đánh răng rửa mặt...

Bé nhà em được 21 tháng tuổi, hiện nay bé có thể tự cởi quần áo đi tắm, tự mặc quần áo vào (cần có một chiếc ghế nhỏ phù hợp và sự hỗ trợ từ mẹ), bé đã dùng muỗng nĩa thành thạo và đang tập dùng đũa để ăn mì, bé có thể tự rửa tay sau khi ăn xong, tự mang giày, dép...Người lớn chỉ giúp đỡ khi có tín hiệu từ trẻ bằng lời nói, hoặc biểu cảm trên gương mặt và hành động lúc đó của trẻ! Tránh việc can thiệp quá nhiều hoặc làm hết cho trẻ, tước đoạt đi quyền muốn tự làm của trẻ, cản trở sự phát triển tự nhiên của trẻ:)

Cảm nhận số

Bắt đầu học toán - "Em bé hạnh phúc" - (trang 187, 188, 198)

Trước đây, em có suy nghĩ nhầm lẫn là việc đọc vẹt một, hai, ba, bốn, năm... là toán học, tuy nhiên theo bà Maria thì toán học chính là "trải nghiệm vui vẻ khi thấy hình dạng và đồ vật, khi khám phá với đôi bàn tay và khi di chuyển trong không gian."

Toán học đối với trẻ trong giai đoạn từ 0 đến 3 đơn giản, gần gũi và quen thuộc, nó chính là các hoạt động hằng ngày đơn giản từ sớm - tập hợp lại, đếm, chọn lọc, sắp xếp theo thứ tự, phân loại, so sánh kích cỡ và màu sắc, khuân đồ vật nặng, chuẩn bị bàn ăn, khám phá các mối quan hệ và khuôn mẫu từ các hoạt động này.

Chính vì vậy mà nhiệm vụ của người lớn khi đã hiểu được toán học là gì, những hoạt động liên quan đến toán học gắn liền với đời sống, thì người lớn cần phải tạo điều kiện để trẻ tham gia các hoạt động này càng nhiều càng tốt, lặp đi lặp lại hàng ngày, tăng niềm say mê, tình yêu đối với toán học một cách tự nhiên.

Ví dụ như việc nhờ bé khiêng giúp các chiếc ghế nhỏ và sắp xếp hay chồng chúng lại với nhau và đếm, có thể trộn những loại hạt khác nhau và nhờ bé phân loại chúng tách biệt nhau chẳng hạn như hạt bắp, hạt đậu đen và hạt gạo, giúp mẹ chuẩn bị bàn ăn bằng việc lấy chén, sắp xếp muỗng nĩa và đũa, giúp bà sắp xếp lại chén đĩa khi phân loại xếp các chén nhỏ với nhau, các tô lớn chồng lên nhau và những chiếc đĩa dẹt cùng nhau...


Cảm nhận số:

Nghệ thuật không chỉ có vẽ - "Em bé hạnh phúc" - (Từ trang 159 đến trang 162)

"Trẻ em ở độ tuổi này có khả năng trong nhiều loại hình nghệ thuật về thị giác và sáng tạo, bao gồm cắt dán giấy, vẽ phấn, vẽ chì, chì màu, màu sáp, vẽ bằng màu nước, sơn poster và nặn đất sét."

Khi người lớn biết được rằng trẻ đang khao khát được khám phá và hiểu được những khả năng trong nhiều loại hình nghệ thuật kể trên của trẻ, thì chúng ta cần phải bắt tay vào hành động ngay. Tức là chúng ta cần cho trẻ thực hiện càng nhiều hoạt động liên quan đến nghệ thuật càng tốt, đặc biệt là đối với những hoạt động có liên quan đến cuộc sống, vận động, nói năng, trang trí nhà cửa, lựa chọn đồ chơi và sách vở.

Trẻ cần phải tập sử dụng đôi bàn tay của mình để thao tác những hoạt động như việc cầm một cây bút chì, bút bi hay kéo như thế nào? Và bé bắt đầu vẽ được những gì, từ những hình ảnh vô nghĩa nghệch ngoặc, sau đó là những hình tròn, đường dài, đường cong...hay bất cứ hình dạng nào mà bé có thể tự liên hệ từ những gì mình thấy và cảm nhận được trong cuộc sống.

Một ví dụ của bé nhà em được 20 tháng tuổi:



Cách đây mấy hôm, bà Tư (cô giúp việc) nói với em khi đang ngồi vẽ với bé:
- Nãy giờ ngồi vẽ hình tròn, rồi miệng lẩm bẩm cái gì trong miệng nói đi nói lại quài, mà nghe không hiểu gì hết...
Em vừa liếc xem những hình tròn bé vẽ, vừa nghe những âm thanh phát ra từ khuôn miệng nhỏ xíu của bé, mắt vẫn không rời cây bút và quyển vở:
- Zí rơu, zí rơu...
À ha! Thì ra bé đang vẽ số 0 đó bà Tư;) bé không có nói tầm bậy tầm bạ đâu, bé đang nói số đếm đó, bé phát âm chữ #Zero trong tiếng Anh:x
Rồi sáng nay, sau khi ngủ dậy, bạn lại bi bô những âm thanh mà em trông mong từng ngày, bé nói theo thứ tự:
- zero, one, two, three, four, six, eight (đặc biệt âm cuối /t/ bạn bật rất rõ), nine, ten!
Bé bỏ mất hai số trong dãy số từ 0 đến 10, đó là five (số 5) và seven (số 7)
Có thể bé chưa phát âm được số 7 do số này có đến hai âm nên khó, nhưng em thắc mắc mãi là số 0 cũng là chữ có hai âm và theo em nghĩ là còn khó hơn, nhưng bé lại nhớ, phát âm được mới lạ đời chớ haha

Cảm nhận số

Cởi và mặc quần áo - "Em bé hạnh phúc" - (Trang 101, 102)

"Cởi quần áo thì dễ hơn là mặc vào và nên dạy trẻ cởi quần áo trước - đôi khi điều này khiến cha mẹ rất đỗi kinh ngạc. Đồng thời, học lấy quần áo ra khỏi ngăn kéo hay giá treo hay cái móc xảy ra trước nhất!"

Trong bất cứ trường hợp nào, khi người lớn đã xác định sẽ tập cho trẻ tính tự lập, biết cách tự chăm sóc mình, cụ thể ở đây là việc tự cởi và mặc quần áo thì chúng ta cần phải thật kiên nhẫn, vui vẻ khi chờ đợi và đồng hành cùng trẻ.

Việc dễ thì tức nhiên là nên làm trước, nên người lớn có thể hướng dẫn, giúp trẻ cách cởi quần áo ra trước và sau đó theo trình tự là cho trẻ lựa chọn quần áo mình muốn mặc, hướng dẫn trẻ tự lấy quần áo từ những chiếc móc nhỏ và sau đó là trợ giúp trẻ cách mặc quần áo vào. Và việc này nên được lặp đi lặp lại hàng ngày, để trẻ có thể thành thạo và trở thành thói quan tốt.

Bé nhà em hiện nay được 21 tháng tuổi, bé đã biết kén chọn đồ mình yêu thích, khi được mẹ chỉ vào một bộ quần áo, bé hoặc là lắc đầu hoặc là nói "không", rồi sau đó là tự mình lấy bộ quần áo mà mình yêu thích, đồng thời nói màu của bộ quần áo ấy! Sau khi chọn được bộ đồ ưng ý, bé được mẹ trợ giúp trong việc mặc vào bằng cách mẹ để áo vào đầu bé, bé tự kéo áo xuống và khi thấy mẹ mở cánh tay áo thì bé đưa cánh tay mình vào, lần lượt hai tay trái và phải; tương tự mặc quần cũng vậy, mẹ nhờ thêm một chiếc ghế nhỏ để bé ngồi xuống, để đưa hai chân vào hai ống quần, sau đó đứng dậy và kéo quần lên! Còn việc cở quần áo trước khi tắm thì bé đã làm rất thành thạo rồi, bên cạnh đó, bé còn có thể tự mang giầy với sự trợ giúp của một chiếc ghế nhỏ, thỉnh thoảng bé mang nhầm chiếc bên trái vào chân bên phải và ngược lại, nhưng được mẹ giúp đỡ, bé vui vẻ tự mang vào:)

Cảm nhận số :

Hướng dẫn qua việc làm mẫu chứ KHÔNG phải bằng cách sửa lỗi
(Trang 110, 111, 112)


"Trong từng khoảnh khắc cuộc sống của trẻ, đặc biệt là trong ba năm đầu tiên, bé đang học hỏi và càng trở nên giống với những người xung quanh."

Trẻ trong giai đoan này bắt chước những người xung quanh mình từ việc đi đứng, nói chuyện, từ vựng, cảm xúc, thái độ, sở thích, quan tâm đến người khác...Điều quan trọng trong giai đoạn này mà người lớn có thể làm là bao quanh đứa trẻ với những người mà chúng ta muốn trẻ bắt chước!

Khi hiểu được rằng trẻ có xu hướng trở nên giống với những người xung quanh, thì trách nhiệm của người lớn là cần phải làm gương tốt cho trẻ trong mọi hành vi, thái độ...
Những người xung quanh trẻ trong ba năm đầu đời chính là những người thầy, người cô đầu tiên của trẻ.

Người lớn cần thực hiện việc làm gương cho trẻ bằng những hành động thiết thực gần gũi hàng ngày như việc hướng dẫn trẻ dọn dẹp đồ chơi, người lớn cần phải vui vẻ, nhẹ nhàng cất đồ chơi lên kệ sau khi trẻ chơi xong, việc này lặp đi lặp lại nhiều lần, và trẻ sẽ bắt chước người lớn cất đồ chơi gọn gàng sau khi chơi xong.

Cảm nhận số

Đưa ra sự lựa chọn - "Em bé hạnh phúc" - (Trang 113, 114)

"Một cách khác để tỏ ra tôn trọng một đứa trẻ và đồng thời dạy dỗ hành vi ta mong muốn là đưa ra sự lựa chọn."

Một đứa trẻ 2 tuổi khoẻ mạnh bình thường bắt đầu hứng thú với khả năng độc lập của mình, nên trẻ sẽ thích được hỏi về việc lựa chọn hơn là bị bắt phải làm gì; nếu người lớn ép buộc và trẻ không thích thì hoặc là trẻ sẽ tuân theo một cách miễn cưỡng hay phản đối lại bằng cách ăn vạ hoặc khó chịu và tệ hơn là khóc lóc.

Hiểu được việc đưa ra lựa chọn cho trẻ thể hiện sự tôn trọng, khuyến khích tính tự lập khi để trẻ tự đưa ra quyết định, cũng như đem lại cho trẻ niềm vui trong việc thực hiện các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày; người lớn cần luôn đưa ra cho trẻ những lựa chọn, và tôn trọng với lựa chọn của trẻ.

Ví dụ như bé nhà em hiện nay 21 tháng, mỗi lần tắm xong, em hay hỏi bé muốn mặc chiếc đầm nào bằng việc hỏi bé:

- Con muốn mặc áo đầm màu hồng hay màu xanh?

Hay việc mang giày cũng vậy:

- Hôm nay con thích may giày màu xám hay màu đỏ nào?

Ngay cả việc ăn uống, em cũng thực hành hỏi bé:

- Con có thích ăn cá không? hay con muốn ăn gà?

- Con muốn ăn dâu hay ăn xoài nào?...

Cảm nhận số 

Học cất đồ chơi - "Em bé hạnh phúc" - (Trang 119, 120)

Hình ảnh thường thấy ở những ngôi nhà có trẻ nhỏ là mỗi lần trẻ chơi thì người lớn đổ hết nguyên thùng đồ chơi ra sàn, cho trẻ chơi đến khi trẻ chán, trong khi người lớn tranh thủ làm việc, hay tệ hơn là một số người lớn dành thời gian đó để lướt điện thoại xem tin tức hoặc nghe nhạc hay chat chit với bạn bè; sau cùng là người lớn chính là người phải dọn dẹp tất cả.

Thay vì xem việc cất đồ chơi như một công việc nhà lặt vặt khó chịu và mất thời gian, thì người lớn cần xem đây là một hoạt động chơi thú vị vừa tạo cho trẻ thói quen cất đồ chơi ngay sau khi chơi xong, trước khi lấy một món đồ chơi khác ra, đồng thời người lớn cũng giảm bớt việc phải dọn dẹp quá nhiều, gây bực bội, dễ sinh ra nóng nảy, lớn tiếng với trẻ và làm tổn thương trẻ.
 

Để dạy trẻ biết cách tự cất đồ chơi đúng vị trí trên kệ sau khi chơi xong, thì người lớn cần phải kiên trì, làm mẫu, vui vẻ, luôn nở nụ cười khi thực hiện trước mặt trẻ; và người lớn đừng mong đợi những kết quả tức thời ở những đứa trẻ còn quá nhỏ, việc này cần thời gian và lặp lại hàng ngày; và cuối cùng là trẻ sẽ bắt chước hành động này.

Ví dụ như bé nhà em được 21 tháng tuổi, mỗi lần chơi mẹ thường chỉ cho bé lựa chọn một trò chơi, sau khi hết hứng thú, mẹ sẽ yêu cầu bé cất đồ chơi trên kệ và bé vui vẻ bỏ đồ chơi vào rổ, đem đến kệ để cất và tiếp tục tự chọn đồ chơi tiếp theo. Việc bé có thể tự dọn đồ chơi của mình sau khi chơi xong được thực hiện một cách tự nhiên, thoải mái và hoàn toàn vui vẻ vì bé đã được mẹ làm và hướng dẫn cho bé trong suốt nhiều tháng liền từ khi bé được 14-15 tháng tuổi.

Cảm nhận số

Trang giấy trắng - "Trẻ thơ trong gia đình" - (Từ trang 11 đến trang 15)

"Trẻ em là kẻ yếu sống giữa những kẻ mạnh; xã hội người lớn không hiểu và không nhận thức được những nhu cầu của chúng."

Rõ ràng khi đọc đến đây, chúng ta - những người lớn phải giật mình vì chúng ta là những bậc cha mẹ, thầy cô đáng kính nhưng lại không hiểu được trẻ và không thể đáp ứng được những nhu cầu của trẻ; trong khi đó lẽ ra chính là trách nhiệm của chúng ta và trẻ cần được hiểu, tôn trọng và được đáp ứng những nhu cầu chính đáng giúp ích cho sự phát triển của mình.

Chính vì trẻ không được người lớn hiểu và hỗ trợ trong sự phát triển toàn diện của mình, nên "trẻ luôn tìm cách thoát khỏi người lớn, tự làm mọi thứ, thể hiện rõ ràng ước muốn không cần được giúp đỡ trừ phi thật sự cần thiết". Khi việc này xảy ra thì người lớn chúng ta lại cho rằng trẻ "hư", nhưng lại không tìm hiểu lý do tại sao trẻ lại như vậy!

Hầu hết trẻ thường bị sự can thiệp mạnh mẽ không đúng lúc của người lớn, làm cản trở kìm hãm sự phát triển của trẻ, buộc trẻ phải phục tùng, làm theo theo ý của người lớn, trong khi người lớn luôn tự cho rằng mình luôn luôn đúng và tốt hơn trẻ nên tự cho mình quyền thay thế trẻ làm mọi thứ.

Người lớn cần phải tôn trọng trẻ, tìm hiểu nhu cầu thật sự của trẻ để có thể đáp ứng được những nhu cầu của chúng, từ đó hướng dẫn và hỗ trợ trẻ nhiều nhất có thể, luôn luôn để trẻ tự làm mọi thứ. Người lớn cần phải thật kiên nhẫn, tập cho trẻ làm các hoạt động nhuần nhuyễn từ ngày này qua ngày khác, lặp đi lặp lại cho đến khi trẻ có thể tự làm thật tốt. 

Ví dụ: Tập cho trẻ dùng muỗng để ăn cơm, người lớn cần kiên nhẫn vì ban đầu có thể trẻ sẽ làm rơi cơm ra bàn hoặc ra sàn nhà rất nhiều, trẻ ăn không gọn gàng khiến cho các hạt cơm dính khắp nơi trên mặt của trẻ...nhưng đó lại là niềm vui, hạnh phúc của trẻ khi được tự mình làm thứ mình yêu thích hoặc ít nhất đó chính là những nỗ lực rất đáng khen của trẻ, và trẻ muốn bắt chước, có thể dùng muỗng như những người xung quanh. Rồi từ ngày này qua ngày khác, trẻ được tiếp tục dùng muỗng để ăn cho đến khi thành thạo, thì đây chính là thành quả của cả trẻ và người lớn vì người lớn đã không hề vất vả dọn dẹp những bừa bộn từ việc tự tập ăn bằng muỗng của trẻ.

Cảm nhận số

Đứa bé mới sinh - "Trẻ thơ trong gia đình" - (Từ trang 19 đến trang 26)

"Trẻ sơ sinh nên để trần, chỉ sưởi ấm bằng không khí trong phòng, không mặc quần hay đắp chăn vì thân nhiệt của cơ thể bé nhỏ chống lại sự thay đổi nhiệt độ còn quần áo không giúp được bao nhiêu."

Hình ảnh thường thấy của những gia đình có trẻ nhỏ là ông bà hoặc cha mẹ thường quấn khăn, mền rất kỹ cho trẻ, ngay cả khi trẻ không lạnh hay nhiệt độ trong phòng không hề lạnh, việc này thường gây ra sự khó chịu của trẻ, khiến trẻ dễ bị nổi rôm sẩy...ảnh hưởng đến làn da nhạy cảm của trẻ.

Ngay cả khi trẻ đã được vài tháng hay thậm chí là hơn 1 tuổi nhưng ba mẹ cứ theo thói quen thường mặc đồ cho trẻ nhiều lớp, hoặc chất liệu dày, nóng...Trẻ còn được đeo găng tay và vớ thường xuyên, việc này làm ảnh hưởng đến việc phát triển các giác quan của trẻ ở giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi.

Việc cho bé dùng tay trần để sờ soạn, đụng chạm vào mọi vật xung quanh sẽ giúp trẻ dễ cảm nhận và phát triển các xúc quan của trẻ, hoặc việc sử dụng chân trần để bò hoặc đi sẽ giúp trẻ cảm nhận được các bề mặt thô ráp, sần sùi hay nhẵn mịn...như thế nào. Tuy nhiên, khi để trẻ khám phá môi trường xung quanh thì người lớn cần bên cạnh quan sát trẻ 24/24 để tránh những rủi ro hay nguy cơ rình rập ví dụ như đi chân trần dễ bị kiến cắn hay đạp các vật nhọn nguy hiểm.

Cảm nhận số 

Thầy dạy của yêu thương - "Trẻ thơ trong gia đình" - (Từ trang 35 đến trang 38)

Chúng ta phải biết là trẻ con luôn yêu quý người lớn. Trẻ con nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng đến mức mà người lớn phải để ý từ hành động đến lời nói vì mọi việc đều được khắc ghi trọn vẹn vào đầu óc trẻ.

Trẻ luôn quấn quýt bên người lớn, đặc biệt là đối với những người thân thiết bên cạnh trẻ như cha mẹ, ông bà... Trẻ luôn muốn tham gia vào bữa ăn của gia đình, mặc dù trẻ không ăn được nhiều nhưng trẻ muốn thể hiện cho mọi người thấy mình là một thành viên quan trọng trong gia đình, trẻ muốn gần gũi, giao lưu, sinh hoạt cùng gia đình, gắn kết tình cảm giữa các thành viên lại với nhau.

Tương tự như việc tham gia ăn cùng với gia đình, việc thức dậy vào mỗi buổi sáng hay buổi trưa cũng vậy, trẻ luôn muốn nhìn thấy những người yêu quý của mình đầu tiên, do vậy mà khi trẻ thấy ba mẹ bên cạnh, trẻ sẽ thấy rất an tâm, vui mừng và ôm ba mẹ, cười rất hạnh phúc; ngược lại có những lúc ngủ dậy không thấy ba mẹ bên cạnh, trẻ thường khóc để gây sự chú ý của ba mẹ.

Cảm nhận số 34: 

Đứa bé mới sinh - "Trẻ thơ trong gia đình" - (Từ trang 19 đến trang 26)

"Trong suốt những năm đầu tiên, đặc biệt là năm thứ hai, bé có nhu cầu chính đáng muốn nhìn thấy mọi vật luôn ở nơi quen thuộc và được sử dụng theo mục đích thông thường. Nếu ai đó đảo lộn trật tự quen thuộc này, bé thật sự bị xúc phạm, cảm thấy khó chịu; và ra sức tự vệ bằng cách trả đồ vật lại đúng vị trí của nó."

Trước khi hiểu được tính trật tự này của trẻ, là người lần đầu làm mẹ, thật sự em rất bối rối vì rất nhiều lần không hiểu vì sao bé lại khóc, bản thân mình rất lúng túng không biết bé đang bị gì để có dỗ bé nín khóc. 

Ví dụ như đơn giản việc cánh cửa đang mở, nhưng người lớn đóng lại làm bé bật khóc, đến khi người lớn mở lại cánh cửa thì bé mới chịu nín khóc. Hay như việc tắt mở vòi nước khi bé tắm hoặc rửa tay cũng vậy, khi bé tắm hoặc rửa tay xong rồi, nhưng mẹ chưa kịp tắt vòi nước thì bé đã "nhắc" mẹ bằng việc chỉ vào vòi nước và nói "tắt". Hay góc đọc sách của bé luôn có một chiếc gấu bông để bé dựa lưng vào khi xem sách, tuy nhiên hôm đó ba của bé đem giặt, bé không thấy gấu bông đâu và thế là bé la lên "where?" (hoặc đâu?), và chỉ vào nơi gấu bông thường được đặt...

Việc hiểu được tính trật tự của trẻ giúp người lớn rất nhiều trong việc giải thích được những lần khó chịu hay tiếng khóc của trẻ, làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên thoải mái và dễ chịu hơn rất nhiều.

Cảm nhận số

Trẻ thơ trong gia đình - "Trẻ thơ trong gia đình" - (Trang 98)

"Ngày nay các bác sỹ đã bắt đầu hiểu nguyên nhân trực tiếp của nhiều chứng bệnh tâm thần là bị ức chế trong thời thơ ấu. Trong thời thơ ấu thường xuất hiện những triệu chứng nguy hiểm như mất ngủ, ác mộng, rối loạn tiêu hoá và nói lắp; và tất cả đều chỉ có một nguyên nhân duy nhất." 

Vì trẻ không được người lớn hiểu, không nhận thức được nhu cầu và đáp ứng những nhu cầu chính đáng của trẻ, bên cạnh đó trẻ luôn phải bắt buộc nghe lời người lớn một cách mù quáng và bị người lớn can thiệp quá mức không cần thiết, trẻ không được tự mình làm điều mình muốn, thậm chí khả năng tự chăm sóc bản thân cũng không có...tất cả tạo nên những ức chế, dồn nén lâu ngày dễ gây đến những tổn thương về tâm lý.

Bản thân em là một cô giáo dạy tiếng Anh tại nhà, em có nhận các bé nhỏ từ 2 tuổi rưỡi - 3 tuổi trở lên, với mong muốn cho các bé được tiếp cận với tiếng Anh càng sớm càng tốt, tạo môi trường thuận lợi cho các bé được "tắm" tiếng Anh một cách tốt nhất; trong suốt thời gian khoảng hơn 3 năm dạy tiếng Anh cho trẻ. Em gặp một số ít trẻ bị tự kỷ hoặc tăng động được ba mẹ dẫn đến, đặc điểm chung của các bé này là không hoà hợp với các bạn khác, không có được những hành vi cư xử bình thường như các bé khác, ngay cả ba mẹ cũng không vâng lời nên khi cô giáo nói chuyện với bé, bé cũng không quan tâm đến, những bé này thường khá kích động, hay phản đối, hay giành giật đồ chơi, gào thét hay ăn vạ mỗi khi ai đó làm trái ý của mình; tuy nhiên thường những bé này lại khá thông minh, các bé biết rất nhiều, khi được hỏi ba mẹ có dạy cho các bé không thì nhận được câu trả lời khá bất ngờ là các bé đều tự xem youtube mà ít khi được tương tác trực tiếp với ba mẹ.

Khi phát hiện ra trẻ có vấn đề về tâm lý thì người lớn bắt đầu dốc toàn lực để chữa những căn bệnh cho chính mình gây ra và điều này sẽ kéo dài đến tận lúc trưởng thành. Tất cả diều này được đổ dồn vào một sự áp bức, được mệnh danh là tình thương, sự áp bức đã tướt bỏ tất cả mọi nhu cầu thực sự của trẻ.

Cảm nhận số

Trẻ thơ trong gia đình - "Trẻ thơ trong gia đình" - (Từ trang 107 đến trang 110)

Một trong những nguyên tắc quan trọng giúp bà mẹ tìm thấy con đường tốt nhất cho con mình là "chúng ta phải hỗ trợ ước muốn hoạt động của trẻ càng nhiều càng tốt, không phục dịch mà phải dạy trẻ biết tự lập"

Từ những bước đi đầu tiên đến những tiếng bi bô tập nói đầu tiên của trẻ, chính là những thành tựu, cột mốc rất quan trọng mà bất cứ bà mẹ nào cũng đều muốn ghi lại khi chúng xảy ra. Sự thật là trẻ con phát triển một cách tự nhiên nhưng chính vì điều này mà trẻ phải tập luyện rất nhiều. Nếu thiếu rèn luyện, trí thông minh của trẻ duy trì ở mức thấp hơn; thậm chí tệ hơn là kìm hãm quá trình phát triển với những trẻ mà ngay lúc sơ sinh đã được nâng đỡ và hướng dẫn.

Ví dụ như bé nhà em từ lúc 10 - 11 tháng thì bé đã có thể tự vịn vào tường hoặc thanh chắn để tự kéo mình đứng dậy và với sự trợ giúp của bức tường hoặc thanh chắn mà bé có thể thực hiện những bước đi đầu tiên, sau đó em đã chú ý là bé sợ đứng và tập đi trên nền gạch cứng vì mỗi lần té là bé thấy đau và khóc. Em đã dành thời gian các buổi chiều tầm 4h đến 6h để chở bé ra công viên có bãi cỏ mềm mại, để bé có thể tập tự đứng lên và bắt đầu bước đi, khi bé té lên những bãi cỏ mềm mại, bé không thấy đau nên không khóc, bé sẽ tự cố gắng đứng dậy và tiếp tục tập đi tiếp. Ngoài việc khi té không bị đau ra, môi trường thiên nhiên trong công viên có không khí mát mẻ trong lành, có tiếng chim hót, những chú bướm bay lượn, có những chiếc lá khô rơi rụng xuống bãi cỏ...thì bên đó còn có những em bé khác cũng cùng lứa tuổi với bé được ông bà, cha mẹ dẫn ra công viên chơi nên bé nhà em thấy rất hào hứng và thích thú mỗi lần được mẹ chở ra công viên, nhờ việc tập đi hầu như mỗi ngày ở công viên mà sinh nhật đầu tiên của mình, bé đã có thể đi được 25-30 bước. Em đã rơi những giọt nước mắt hạnh phúc trước sự cố gắng rất nhiều của con mình.

Cảm nhận số

Người lớn và trẻ em cùng làm việc với nhau - "Em bé hạnh phúc" - (Từ trang 106 đến trang 108)

Việc cho trẻ tham gia vào các hoạt đông cuộc sống hàng ngày với gia đình đã tạo nhiều cơ hội cho trẻ và người lớn cùng làm việc với nhau, dành nhiều thời gian cho nhau để ở gần nhau hơn. Mỗi ngày, mặc dù người lớn có rất nhiều việc phải làm và lo lắng, tuy nhiên người lớn nên dành ra một chút thời gian cho trẻ mỗi ngày để cùng nhau nấu ăn, làm bánh, tưới cây, cùng nhau hát và nhảy múa, đọc sách trước khi ngủ, đi dạo cùng nhau...tất cả những hoạt động này mang ý nghĩa to lớn trong việc phát triển mối quan hệ của đôi bên.

Bên cạnh việc tham gia làm việc cùng với trẻ, người lớn cũng cần phải ngồi quan sát, không cần phải làm gì cả, chỉ cần nhìn trẻ và tìm hiểu đứa con độc đáo của mình, người lớn sẽ phát hiện ra rất nhiều điều thú vị về con trẻ.

Ví dụ như hàng ngày em đều dành ra ít nhất 30 phút cùng bé làm vườn, hái rau hoặc lặt rau! Tiếp tục là thời gian hát và nhảy múa cùng nhau các bài hát yêu thích quen thuộc như bài Alphabet song, 5 Little Monkeys, One Little Finger... Cùng nhau ăn sáng, ăn trưa, ăn tối; buổi chiều còn cùng nhau đi công viên hoặc dạo biển. Mẹ rửa chén, bé sẽ giúp mẹ úp chén vào rổ; hoặc giúp mẹ nhặt lá rơi bỏ vào giỏ rác khi mẹ quét sân, bé đi tắm cùng với mẹ, cùng học các con thú, màu sắc, số đếm, hình khối...cùng với mẹ. Vì em làm việc tại nhà, nên thời gian dành cho bé khá nhiều, trừ những lúc cần tập trung công việc ra thì thời gian còn lại em hầu như chỉ dành cho bé.

Cảm nhận số

Kể chuyện, đọc và viết - "Em bé hạnh phúc" - (Trang 149, 150)

Trẻ rất thích được trò chuyện, giao tiếp với người lớn trong các cuộc đàm thoại hàng ngày liên quan đến cuộc sống, vì nghe và nói xuất hiện trước tiên nên người lớn có vai trò rất lớn trong việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ trong môi trường. Chỉ cần hỏi trẻ những câu đơn giản, gần gũi hàng ngày, dễ hiểu như: Sáng nay chúng ta sẽ ăn gì nhỉ? Theo con thì hôm qua mình đã ăn phở rồi, thì hôm nay có nên ăn phở tiếp không? Hay là mình cùng nhau ăn bún riêu nhỉ? À cơm tấm cũng lâu rồi chúng ta chưa ăn rồi hen?...

Bên cạnh việc giao tiếp, nói chuyện hay kể những câu chuyện gần gũi ra, chúng ta cũng có thể đọc sách cho trẻ, truyền cảm hứng niềm đam mê đến với sách của trẻ, nên người lớn thường xuyên đọc cho trẻ những cuốn sách hay, phù hợp thì trẻ sẽ sẵn sàng ngồi hàng giờ một cách say mê, chăm chú để nghe chúng ta đọc sách.

Và cuối cùng là việc viết, đặc biệt là việc sử dụng bút viết lên những trang giấy hay những tấm bảng bằng phấn, những tấm thiệp giáng sinh, sinh nhật, những ghi chú dán lên tủ lạnh...đó chính là những trải nghiệm thú vị của trẻ, thay vì người lớn cứ dùng máy tính hay điện thoại để gõ.

Ví dụ như bản thân em và bé 21 tháng tuổi, em thường xuyên nói chuyện với bé hàng ngày, trong hầu hết mọi tình huống, dù có khi bé không có hứng thú nói, nhưng em vẫn nói để luyện kỹ năng cho bé và tức nhiên là bé hiểu những điều em nói. Đi chơi công viên, hay dạo ngoài bãi biển, em cũng thường nói chuyện với bé để lôi cuốn bé vào các câu chuyện của mình. Bên cạnh đó, việc đọc sách trước khi ngủ vào buổi tối và tập cho bé dùng viết vẽ lên các trang giấy trắng học sinh.

Tên bài học: Cắt kéo

Mục đích trực tiếp:

Rèn luyện khả năng vận động tinh và sử dụng đôi bàn tay khéo léo
Rèn kỹ năng làm việc với các đồ dùng sắc nhọn

Mục đích gián tiếp:

Rèn luyện cho trẻ tính độc lập, tự tin trong các hoạt động thực tế hàng ngày, cụ thể là việc sử dụng và di chuyển các đồ dụng sắc nhọn như dao kéo.

Độ tuổi: Từ 24 tháng trở lên

Chuẩn bị:
- Kéo nên sử dụng loại kéo có bịt đầu và luôn có phụ huynh hoặc cô giáo ngồi cùng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ.
- Các mảnh giấy nhỏ, độ rộng của giấy là 2 cm (để trẻ không cắt quá một lần), nên sử dụng giấy A4 vì giấy mỏng, nhát kéo cắt vào sử dụng lực vừa phải, không quá sức của trẻ, trên giấy đã kẻ các đường thẳng ngắn hoặc đường chéo nếu trẻ đã sử dụng kéo rất tốt.


Tiến trình bài học:

Hoạt động này tương đối khó hơn so với việc cắt tự do (không theo đường kẻ sẵn), hãy chắn chắn rằng trẻ đã thực hiện được nhuần nhuyễn hoạt động cắt kéo không theo đường kẻ trước.

1. Mang khay xuống thảm hoặc bàn, mời trẻ cùng tham gia

2. Cầm kéo bằng tay thuận, tay còn lại cầm mép dưới mảnh giấy. Thao tác chậm rãi cho trẻ quan sát, sử dụng kéo bằng 3 ngón tay (ngón trỏ, ngón giữa và ngón cái), đồng thời nói với trẻ: "con quan sát nhé". Người dạy phải làm thật chậm để trẻ có thể tập trung quan sát thật kỹ.

Sau khi cắt xong, yêu cầu trẻ thực hiện: "con làm đi".
3. Cắt mảnh giấy theo đường kẻ ở cách xa tay cầm giấy. Giữ giấy trên khay sao cho mảnh giấy đã cắt rơi ngay ngắn vào khay

4. Tiếp tục cắt cho đến hết theo các đường kẻ sẵn. Khi trẻ đã thực hiện được việc cắt kéo, người dạy dùng biểu cảm và hành động để thể hiện cho trẻ thấy là trẻ đã làm đúng.

Tiếp tục là người dạy hỏi trẻ: "Con có muốn thực hiện nữa không con?"

Nếu trẻ muốn làm tiếp thì hãy trẻ tiếp tục thực hành, còn nếu trẻ lắc đầu hoặc nói không thì người dạy có thể ngưng hoạt động.

5. Sau khi cắt xong, người dạy yêu cầu trẻ bỏ những mẫu giấy vào một túi có dây kéo hoặc file để có thể mang về khoe bố mẹ hoặc để lại trong giỏ riêng ở tủ cất đồ tại lớp.

Hoặc người dạy có thể giữ lại và trả về cho gia đình theo tuần hoặc theo tháng. Trẻ cần ghi tên mình hoặc cô giáo ghi chép lại để tránh bị nhầm lẫn hoặc mất đi tác phẩm của trẻ.

6. Dọn dẹp: đặt kéo xuống bàn hoặc thảm, gom giấy bỏ vào lọ/ túi mang đi cất (để tái sử dụng). Quay trở lại bàn/ thảm, đặt kéo vào khay và mang khay trả về kệ.

Ngoài ra, người dạy còn có thể hướng dẫn cách đưa kéo cho người khác hoặc di chuyển kéo trong lớp học.

Điểm thú vị:

Trẻ có thể cắt giấy theo các hình dạng khác nhau rất thú vị.

Tác động đến trẻ:

Trẻ cảm thấy vui vẻ và tự tin vì mình đã thực hiện được một công việc khó, cụ thể là sử dụng kéo.

Bài 2:

Tên bài học: Gối sơ sinh

Độ tuổi:

  • Từ 0 đến 12 tháng (sau 12 tháng là không sử dụng nữa)

Chuẩn bị:

  • Đệm cotton cho trẻ từ 0 đến 12 tháng, chất liệu 100% cotton, hình elip nhỏ. Có kích thước là rộng khoảng 40 cm và dài khoảng 65 cm.
  • Bên trên đệm có lớp lót để trẻ tè hoặc ị, người lớn dễ tháo ra để giặt, còn bên dưới là được độn với bông hữu cơ và được bọc lại bởi vải bông tốt nhất và mềm mại nhất.
  • Ở nước ngoài thường sử dụng, tuy nhiên ở Việt Nam chúng ta có thể tự may hoặc đặt may theo kích thước phía trên.

Mục đích trực tiếp:

  • Đem lại cho trẻ sơ sinh một cảm giác quan trọng về sự an toàn, trật tự, thoải mái và an tâm khi được bế lên, đặt xuống và trao từ tay người này sang tay người khác.
  • Trẻ có cảm giác thoải mái với mùi quen thuộc của gối cho dù là ai đang bế trẻ hay trẻ đang ở đâu đi nữa và tay chân của trẻ được giữ một cách an toàn và thoải mái sát bên người thay vì bị vung lên trong không trung.
  • Khi trẻ được bế lên, trẻ sẽ co người tương tự như tư thế bào thai, tạo cảm giác an toàn cho trẻ.
  • Trẻ không bị những bàn tay thô ráp hoặc lạnh cham trực tiếp vào làn da mỏng manh, yếu ớt của trẻ; nên trẻ sẽ không bị đau, bị lạnh hoặc bị nhiễm vi khuẩn từ tay người lớn.
Mục đích gián tiếp:

  • Giúp trẻ có một hệ quy chiếu, định hướng trong không gian, an toàn như một cái neo.
  • Giúp trẻ phát triển thị giác.








http://mndaikim.edu.vn/thu-vien/giao-an-ky-nang-tu-phuc-vu/cach-su-dung-keo.html

Phần 1:

Bào thai tinh thần

Bà Montessori đã phát triển khái niệm về “Phôi thai tinh thần” vào đầu thế kỷ 21. Bà cho rằng con người phát triển qua hai giai đoạn phôi thai liên tiếp nhau:

- Giai đoạn đầu tiên là thời kỳ trước khi sinh, tức là từ khi thụ thai đến khi trẻ được sinh ra.

- Giai đoạn thứ hai là từ lúc trẻ được sinh ra cho đến khi trẻ được 3 tuổi.

Bà Maria gọi giai đoạn thứ hai này là "phôi thai tinh thần" và xem đây là giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời trẻ. Bà cho rằng những quan sát và hiểu biết về giai đoạn này có tầm quan trọng then chốt đối với việc giáo dục và dẫn đến sự hiểu biết hơn về con người - đối với một đứa trẻ thì môi trường và những người xung quanh nó có một sức hút toàn diện, và trên hết là xu hướng muốn được thuộc về một nhóm người.

Gia đình là có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phát triển, bảo vệ sự an toàn cho trẻ. Điều này có nghĩa là thông qua gia đình, đứa trẻ có thể thích nghi với cuộc sống, trở thành một con người thuộc về xã hội của mình. Thông qua gia đình, tất cả các phong tục, hành vi, đạo đức, tôn giáo, văn hoá, niềm tin… sẽ được truyền lại cho trẻ. Và đây chính là trọng trách của cha mẹ, thầy cô cùng tất cả những người xung quanh trẻ.

Trong giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi, đứa trẻ hấp thụ hoàn toàn môi trường của mình một cách vô thức. Đứa trẻ trong giai đoạn này chưa ý thức được những điều xấu và phân biệt được những điều tốt. Trẻ con được ví như miếng bọt biển, có khả năng thấm hút rất đặc biệt, rất nhanh và không hề có chọn lọc. Cứ tưởng tượng như việc chúng ta thả một miếng bọt biển vào chậu nước thì ngay lập tức nó sẽ hút hết nước bẩn và cả nước sạch.

Ví dụ như bé Xí Muội nhà em hiện nay 21 tháng, sau nhiều lần quan sát mẹ cất đồ chơi sau khi chơi xong với nụ cười trên môi, lặp đi lặp lại hàng ngày, thì hiện nay mỗi lần chơi xong bé đã tự giác bỏ đồ chơi vào giỏ và để lên kệ.Một ví dụ khác là có một lần bé lấy dép và ném vào chú cún ở nhà, em đã rất ngạc nhiên vì thường ngày bé rất yêu thương, hay chơi đùa và vuốt ve với các chú cún ở nhà.

Nhưng sau khi nhớ lại là sáng nay, một trong những chú cún đã cắn vào giày của mẹ nên trong cơn nóng giận lúc đó, mẹ đã có hành động chưa kịp suy nghĩ là đã lấy luôn chiếc giày đó và ném vào chú cún (mẹ chỉ ném để “dằn mặt” thôi, không cố ý ném trúng chú cún). Và thế là bé bắt chước mẹ lấy dép ném vào chú cún mà bé rất thương và hay chơi hàng ngày.

Từ hai ví dụ trên, rõ ràng chúng ta thấy rằng trẻ trong giai đoạn này có một khả năng quan sát và bắt chước hết sức chính xác. Bé học cả việc tốt và việc không tốt vì giai đoạn này bé chưa có khả năng phân tích cái nào đúng và cái nào sai.

Khi người lớn đã hiểu được rằng trẻ sẽ hấp thu vô thức tất cả trong môi trường xung quanh mình ở giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi, thì chúng ta cần phải thật thận trọng chú ý đến những lời nói cũng như hành động của mình, đặc biệt là khi có trẻ bên cạnh. Người lớn cần có những hành động đúng, lời nói nhẹ nhàng dễ nghe, thái độ lịch sự nhã nhặn...bởi vì trẻ sẽ quan sát và bắt chước tất cả những gì người lớn làm và nói. Đừng vì một phút nóng nảy hay mất bình tĩnh mà người lớn có những lời nói hay việc làm không đúng, sẽ khiến trẻ tiếp thu ngay lập tức và khi chúng áp dụng thì lúc đó người lớn đừng hỏi “ai đã dạy con làm/ nói như vậy?”

Người lớn cần phải “chạy theo trẻ”, quan sát và tìm hiểu những nhu cầu của trẻ, đáp ứng những nhu cầu chính đáng của trẻ bằng tình yêu thương, kiên nhẫn và tôn trọng trong một môi trường an toàn.

Mặc dù chúng ta không hiểu hết được những đóng góp to lớn của môi trường thiên nhiên và sự dạy dỗ của người lớn trong sự phát triển của trẻ, tuy nhiên nó đã được chứng minh rằng trẻ được nuôi dưỡng tốt nhất trong một môi trường yêu thương của gia đình trong những năm đầu. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng thời điểm quan trọng nhất để hình thành nên những tính cách, năng lực của trẻ được xảy ra trong những năm đầu, từ sơ sinh đến ba tuổi.

Nhiều nghiên cứu cho thấy những tác động nghiêm trọng của việc thiếu môi trường gia đình yêu thương và sự an toàn dẫn đến rối loạn chức năng nhân cách ở trẻ đang phát triển.

Ngay cả trong một môi trường được gọi là bình thường, việc kích thích các giác quan ở mức độ thấp cũng có liên quan đến khả năng hoà nhập với xã hội kém và ngôn ngữ chậm phát triển.

Ví dụ như ngày nay càng có nhiều trẻ chậm nói vì cha mẹ ít chú trọng đến việc tương tác, giao tiếp với con; bên cạnh đó cùng với sự phát triển của công nghệ con người hiện nay thường dành rất nhiều thời gian vào việc dán mắt vào điện thoại thông minh, máy tính bảng..., nên một số cha mẹ hay bấm điện thoại lướt web, đọc tin tức hoặc chat chít tán gẫu với bạn bè thay vì chơi và trò chuyện cùng con; hoặc tệ hơn là cha mẹ thường đưa cho trẻ sử dụng điện thoại hoặc coi quá nhiều youtube mà không có sự quản lý của cha mẹ, dẫn đến trẻ chậm nói hay có một số trường hợp trẻ bị tự kỷ hoặc bị tăng động...

Tương tự cho việc chậm đi là một số cha mẹ với danh nghĩa yêu thương, bảo vệ con nên sợ dẫn con ra ngoài bị nhiều rủi ro, nguy cơ rình rập hay không vệ sinh như sợ bé bị té, sợ bé bị kiến/ muỗi/ côn trùng...cắn, sợ bé bị dơ, sợ nắng nóng, sợ gió...nên thường nhốt bé ở nhà hay thậm chí ở trong phòng, bên cạnh đó là việc hay ẵm bế trên tay nên bé ít vận động, các cơ tay và chân yếu dẫn đến bé gặp khó khăn trong việc tập đi của mình.

Trẻ trong giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi phát triển thông qua các giác quan, nơi tiếp nhận mọi thứ từ môi trường mà không có sự phân biệt hoặc chọn lọc, giống như cách mà thai nhi nhận được nuôi dưỡng trong bụng mẹ. Thai nhi đã được túi ối bảo vệ, vì vậy bây giờ đứa trẻ cần được bảo vệ trong môi trường an toàn của gia đình, và mẹ là người quan trọng nhất trong việc chăm sóc, đồng hành, bên cạnh nuôi dạy trẻ.









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét